Sáng kiến kéo dài 5 năm nhằm mục đích thúc đẩy việc theo dõi tốt hơn việc vận chuyển và đánh bắt cá ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo tuyên bố chung của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, sáng kiến này sẽ cung cấp bức tranh gần như thời gian thực, tích hợp và hiệu quả chi phí về vấn đề nhận thức lãnh thổ trên biển.
Sáng kiến trên được công bố trùng với thời điểm các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ nhóm họp tại Nhật Bản vào ngày cuối cùng trong chuyến công du đầu tiên tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức.
Một đội tàu cá Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
"Sáng kiến sẽ thay đổi khả năng của các đối tác tại các quần đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong việc giám sát đầy đủ các vùng biển ngoài khơi của họ, đồng thời duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, tuyên bố khẳng định.
Ngoài việc ngăn chặn đánh bắt cá trái phép, sáng kiến mới sẽ giúp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và hỗ trợ các nhiệm vụ cứu hộ trên biển, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden giấu tên cho biết trước khi thông báo chính thức về sáng kiến được đưa ra.
Đánh bắt bất hợp pháp tràn lan trở thành mối quan tâm ngày càng tăng trong những năm qua trong bối cảnh các đội tàu của Trung Quốc tăng cường hiện diện ở các vùng biển xa xôi, góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức và ô nhiễm và môi trường nước.
Financial Times dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 95% trường hợp đánh bắt bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chương trình của QUAD sẽ sử dụng tần số radio và các công nghệ khác nhằm thu thập các dữ liệu không thuộc diện dữ liệu mật để chia sẻ với các đối tác muốn sử dụng", thông báo nhấn mạnh.
Sáng kiến hàng hải mới được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Bắc Kinh đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Kiribati, một quốc gia gồm 33 hòn đảo trải dài khoảng 3.000 km dọc theo ranh giới giữa Bắc và Nam Thái Bình Dương.
Trước đó, Mỹ đã bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. Một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở đây và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.
Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo hồi đầu tháng 5 cho rằng Mỹ "cố gắng hạn chế các hoạt động và hợp tác bình thường của Trung Quốc trong khu vực theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ".
Đối thoại Tứ giác an ninh (QUAD) hay được gọi là “Bộ tứ kim cương” được thành lập vào năm 2007 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tuy nhiên, theo thời gian, trước sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc, QUAD đã ngày một phát triển hơn và không chỉ tập trung vào kinh tế, mà còn có mục tiêu đảm bảo an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các thành viên QUAD đã khởi động lại đối thoại trong năm 2017 sau 10 năm gián đoạn, tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước trong các năm 2019 và 2020. Năm 2020, lần đầu tiên sau 13 năm gián đoạn, cả 4 thành viên Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận chung trên biển Malabar (các cuộc tập trận trước đó Australia không tham gia), đánh dấu bước đi thực chất trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa 4 nước.