(VTC News) - Lãnh đạo Cienco 1 phải viết báo cáo kiểm điểm và bị xem xét hình thức kỷ luật vì thái độ vô cảm, không ra hiện trường vụ tai nạn khi Bộ trưởng Thăng yêu cầu.
Trong cuộc họp tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình ông Phạm Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) về việc không trực tiếp xuống hiện trường giải quyết vụ tai nạn tại công trình thi công nhà ga Thanh Xuân III sáng 6/11 khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên Cienco 1 làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Dũng.
Theo đó, ông Dũng phải viết báo cáo kiểm điểm và sẽ xem xét hình thức kỷ luật vì thái độ vô cảm, vẫn ngồi họp giao ban mà không ra hiện trường vụ tai nạn dù Bộ trưởng Thăng đã có yêu cầu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ, sau khi nhận thông tin về vụ việc, Bộ trưởng đã chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhanh chóng xuống hiện trường giải quyết vụ việc. Bộ trưởng cũng đã gọi điện chỉ đạo ông Phạm Dũng xuống hiện trường để phối hợp với các lực lượng giải quyết, đưa ra hướng xử lý vụ việc. Nhưng ông Dũng đã cử một đại diện khác của Cienco 1 xuống hiện trường với lý do ông Dũng đang bận họp giao ban.
Hiện trường vụ việc |
Theo Bộ trưởng Thăng, xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng tại công trình do đơn vị mình thi công mà người đứng đầu đơn vị vẫn không trực tiếp xuống hiện trường ngồi họp giao ban được là không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm trước hành động như vậy.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ GTVT đã chỉ đạo tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thăng yêu cầu tổng thầu EPC và tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn này.
Theo đó, Bộ trưởng Thăng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà thầu Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc đến đâu trong vụ tai nạn rơi thanh thép làm 1 người chết và 2 người bị thương.
Phía nhà thầu chính cho rằng, đơn vị đã chịu trách nhiệm phối hợp cứu người, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp nhân lực, bồi dưỡng cho đơn vị thi công… Việc thi công tại công trường cũng theo phương pháp được chủ đầu tư phê duyệt.
Video: Hiện trường vụ tai nạn trong lúc thi công dự án đường sắt trên cao
Sau khi nghe các bên báo cáo, Bộ trưởng Thăng yêu cầu tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu làm rõ việc tư vấn giám sát là Công ty TNHH giám sát xây dựng – Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh lại không có mặt tại hiện trường thi công thời điểm xảy ra tai nạn.
Trước yêu cầu của Bộ trưởng GTVT, phía đơn vị tư vấn giám sát lý giải, thời điểm xảy ra vụ việc, đại diện tư vấn giám sát không có mặt với lý do không phải trong quá trình nghiệm thu chất lượng công trình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng khẳng định, tư vấn giám sát phải có mặt tại công trường trong quá trình thi công, giám sát chất lượng thi công và an toàn thi công.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1 là nhà thầu thi công nên phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng này.
Khu vực thi công nhà ga Thanh Xuân III do Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1 đảm nhiệm |
Chiều 7/11, trao đổi với PV VTC News, ông Cấn Hồng Lai - Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 cho biết, đơn vị này đã đình chỉ đội thi công tại công trường nơi xảy ra sự cố, thực hiện kiểm điểm, quy trách nhiệm trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Ông Lai cũng thừa nhận, quá trình thi công, nhà thầu đã không kiểm tra kỹ các mối hàn trước khi nâng các thanh thép, dẫn đến việc bị bật mối hàn khi nâng, văng trúng người đi đường.
"Đây là công việc thi công khá đơn giản, nhưng do đơn vị thi công chủ quan, không làm tốt các công đoạn kiểm tra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đã đình chỉ đội thi công này ngay sau khi xảy ra sự việc", ông Cấn Hồng Lai cho hay.
Người đứng đầu CIENCO 1 thừa nhận, việc cảnh giới an toàn tại công trường còn thiếu, cùng với đó là việc chọn thời điểm thi công chưa hợp lý nên dẫn đến tai nạn đau lòng.
"Trong lúc thi công cẩu vật liệu, nhà thầu cần cẩn trọng cho người cảnh báo nguy hiểm với những người tham gia giao thông, trong trường hợp cần thiết, phải phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn. Nhưng trường hợp này chưa làm được", ông Lai thừa nhận.
Minh Chiến