Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo xử lý tồn đọng tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình

Sáng 6/1, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo các giải pháp thực hiện và xử lý vấn đề "nóng" liên quan đến ngành.

Không ai được đứng ngoài cuộc

Sáng nay, sau khi phát biểu góp ý về nội dung Đồ án quy hoạch tổng thể quốc gia tại Kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã xin phép tổ trưởng tổ thảo luận để về trụ sở Bộ VHTTDL chủ trì cuộc họp xử lý gấp một số vấn đề liên quan đến ngành thể thao.

Cuộc họp có sự tham gia của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Tổng cục trưởng Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cùng 3 Phó tổng cục trưởng: Nguyễn Hồng Minh, Lê Thị Hoàng Yến, Nguyễn Danh Hoàng Việt và một số lãnh đạo đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chù trì cuộc họp.

Trên tinh thần khẩn trương, báo cáo ngắn gọn thẳng vào các vấn đề tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ, cuộc họp này có hai nội dung, một là đưa ra giải pháp xử lý ngay những vấn đề "nóng" tại Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình và cụ thể là Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh những ngày qua. Thứ hai là đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 74/VPCP-KGVX ngày 5/1/2023, cũng như xác định giải pháp cho ngành Thể thao để đạt được các mục tiêu trong thời gian tới.

"Trong bối cảnh người hâm mộ đang rất quan tâm đến chất lượng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Tổng cục TDTT đã có giải pháp gì trong bối cảnh khó khăn hiện nay?", Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT báo cáo.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, do những tồn tại để lại của giai đoạn trước (kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ), tại Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình hiện đang gặp vấn đề khó khăn về nguồn lực để vận hành, chi trả lương, thu nhập cho đội ngũ nhân viên. Đây là một trong những "nút thắt" lớn nhất dẫn đến những tình trạng như hiện nay.

Sau khi nghe Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng liền nhấc máy gọi ngay cho Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc. Ông yêu cầu Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo lực lượng Đoàn Thanh niên, sinh viên nhà trường tổ chức ngay một hoạt động tình nguyện để hỗ trợ làm vệ sinh môi trường cảnh quan cho Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

"Đây là nhiệm vụ chung, là hình ảnh cho toàn ngành, như tôi đã nhiều lần chỉ đạo, không ai được đứng ngoài cuộc cả. Lẽ ra những việc như thế này không phải để Bộ trưởng tự gọi. Tại sao tôi phải làm như vậy là để các đồng chí hiểu rằng, dù bận rất nhiều công việc nhưng Lãnh đạo Bộ luôn sẵn sàng đồng hành cùng các đồng chí trong bất kỳ mọi nhiệm vụ, không kể lớn hay nhỏ.

Điều tôi mong muốn đó là từ bài học kinh nghiệm này, từ nay về sau khi thực hiện nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, các đồng chí phải tự suy nghĩ, tự trăn trở, lường trước hết mọi tình huống để tránh những vấn đề không đáng có như hiện nay", Bộ trưởng bày tỏ.

"Phương châm của toàn ngành là Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến, chúng ta đã thực hiện được gần 2 năm rồi. Toàn ngành đã có những tiến bộ, sự thay đổi rõ rệt như Lãnh đạo Đảng và Nhân dân ghi nhận. Thế nhưng, thi thoảng ở một số bộ phận, lĩnh vực tôi vẫn cảm thấy sự quyết liệt đó chưa được thực hiện thường xuyên. Bằng chứng là câu chuyện tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Kế hoạch tổ chức AFF Cup đã có từ trước chứ có phải đột xuất đâu, sao vẫn để những việc như vậy xảy ra?", Bộ trưởng yêu cầu từ nay phải nâng cao hơn nữa việc siết chặt kỷ luật kỷ cương, tăng cường hơn nữa việc báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ đến lãnh đạo Bộ.

Toàn cảnh SVĐ Quốc gia Mỹ Đình.

Về vấn đề trước mắt tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Bộ trưởng yêu cầu phải cử ngay đội ngũ chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ xử lý những tồn tại mà các phương tiện truyền thông đã phản ánh. Báo cáo với Bộ trưởng về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, sáng nay, ông đã chỉ đạo hai Ban quản lý dự án của Bộ khẩn trương xuống ngay Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình để cùng đồng hành với Ban quản lý sân nhằm rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, mặt sân để có báo cáo sớm nhất lên lãnh đạo Bộ. Cố gắng bằng mọi biện pháp khắc phục để đến ngày 9/1, khi Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam thi đấu với Indonesia sẽ không còn những hình ảnh như hiện nay.

Về mô hình hoạt động tại Trung tâm Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Bộ trưởng yêu cầu sắp tới cần phải bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn mô hình phù hợp nhất. "Tự chủ hay tự chủ một phần, hay mô hình nào phù hợp, đó là câu hỏi mà chúng ta phải sớm trả lời. Không thể để tình trạng này kéo dài", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Làm ngày, làm đêm" để sớm báo cáo Thủ tướng về thực trạng hệ thống cơ sở thi đầu thể thao

Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng đề cập tới tại buổi làm việc đó là bàn các giải pháp tháo gỡ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 74. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm. Trong Đề án tổng thể quy hoạch quốc gia cũng xác định sẽ hình thành trung tâm thể thao quốc gia, mang tầm quốc tế trong thời gian tới.

Trên cơ sở Công văn 74 ngày 5/1, Bộ trưởng giao Tổng cục TDTT chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính kế hoạch, các đơn vị liên quan, đối chiếu để đánh giá lại thực trạng về hệ thống cơ sở thi đấu thể thao thuộc Bộ. "Thực trạng ở đây là phải biết được hiện nay Bộ đang quản lý bảo nhiêu cơ sở thể thao, những cơ sở đó có lịch sử hình thành từ năm nào, đầu tư bao nhiêu tiền, hàng năm được đầu tư bao nhiêu. Như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chẳng hạn, đã đầu tư hơn 20 năm thì phải xác định được khấu hao nó là như thế nào" - ông gợi mở.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục TDTT phân tích kỹ, trên cơ sở đó để đánh giá khó khăn, tồn tại, hạn chế. Khó khăn về cái gì, về cơ chế, ngân sách, con người, phải trả lời cụ thể được vấn đề này. Từ đây để đưa ra kiến nghị cả về tầm chiến lược, cụ thể.

"Về chiến lược, cần kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương giao Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án về kinh tế thể thao (thí điểm). Tổng cục bằng mọi biện pháp tham mưu được vấn đề đó. Thứ hai, về lâu dài cần kiến nghị để cho phép lập dự án Trung tâm thể thao quốc gia mang tầm quốc tế", Bộ trưởng yêu cầu.

Trước yêu cầu của Thủ tướng trong tháng 1 phải báo cáo đến Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị ngành TDTT huy động toàn bộ nhân lực để làm ngày làm đêm, kể cả thứ 7, chủ nhật, trong tuần tới báo cáo Bộ để thông qua báo cáo tổng thể.

Khắc phục độ trễ, "quyền anh, quyền tôi" trong thực thi nhiệm vụ

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục tiếp tục làm việc với các đơn vị để quán triệt tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ liên quan đến ngành. Trong đó, thể hiện ở 4 điểm nhấn của ngành trong 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Thứ nhất, xác định thể thao cho mọi người là một trong những hướng cần được đẩy mạnh, phối hợp, lan tỏa. Tổng cục cần có văn bản hướng dẫn các Sở, các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động thể thao quần chúng, ứng dụng công nghệ số để đưa các bài tập cho mọi lứa tuổi, khuyến khích các địa phương đưa vào môn bơi nhằm khắc phục tình trạng thương tâm đuối nước ở trẻ em. Qua thể thao quần chúng để phát hiện nguồn, bồi dưỡng, đào tạo để đưa vào thể thao thành tích cao.

"Tinh thần tôi đưa ra là như vậy, nhưng Tổng cục TDTT phải bàn bạc để có những chỉ đạo cụ thể. Quý 1 làm gì ở đâu, địa bàn nào, có địa chỉ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, làm điểm để nhân rộng, có phân công cụ thể, không nói chung chung " - Bộ trưởng yêu cầu.

Thứ hai, về thể thao thành tích cao, Bộ trưởng đề ra nhiệm vụ phải giữ được ngôi đầu bảng tại SEA Games 32, không lý gì Đại hội lần thứ 31 đứng đầu bảng, đến 32 lại tụt xuống. Trong đó, phải quyết liệt trong vấn đề đào tạo, lựa chọn VĐV, đội tuyển.

"Phải gắn chỉ tiêu cho từng trung tâm theo hướng thế mạnh từng vùng. Ví dụ như bơi không phải thế mạnh của Hà Nội thì phải tập trung đầu tư ở Cần Thơ. Căn cứ vào đó để giao kinh phí, chỉ tiêu đi kèm. Không thể cào bằng trong vấn đề này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, từ SEA Games 32 cần tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho ASIAD, Olympic. Trong đó chú ý phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Olympic Việt Nam.

Thứ tư, cần sớm hoàn thiện văn bản trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể thao, trong đó đi kèm với 2 Đề án điểm nhấn phải bắt đầu thực hiện từ năm 2023 đó là Bóng đá, Điền kinh. Đây là hai bộ môn thế mạnh và rất có điều kiện để phát triển khi chúng ta vừa sử dụng được ngân sách, vừa huy động được từ nguồn xã hội hóa. Gắn với đó là truyền thông một cách mạnh mẽ.

"Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung giải quyết cơ bản, triệt để tồn đọng nhiều năm qua. Có kiểm điểm sâu, biện pháp khắc phục cho từng vấn đề. Cùng với đó là tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ" - Bộ trưởng yêu cầu.

Các bộ phận tiến hành dọn vệ sinh sân Mỹ Đình.

Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng đề nghị tập thể Vụ Tổ chức cán bộ làm việc với tập thể Tổng cục TDTT để chủ động phương án sắp xếp, đánh giá lại đội ngũ của ngành, báo cáo rõ công tác phân loại cán bộ vừa qua, thực chất hay không thực chất, kết quả đánh giá công tác của từng lãnh đạo Tổng cục, thủ trưởng đơn vị, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong vấn đề bố trí sử dụng cán bộ.

"Tới đây sẽ có sự thay đổi, luân chuyển cán bộ trong ngành để tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, khắc phục độ trễ, "quyền anh, quyền tôi" trong thực thi nhiệm vụ" - Bộ trưởng cho biết..

Nguồn: Tổ Quốc

Tin mới