Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Ngoại giao: Hơn 1.000 công dân Việt Nam ở Campuchia được giải cứu

(VTC News) -

Tính tới ngày 21/9, hơn 1.000 công dân Việt Nam được giải cứu khỏi các cơ sở lao động bất hợp pháp ở Campuchia, và hàng nghìn công dân khác được hỗ trợ làm thủ tục.

Chiều 22/9, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về vấn đề công dân Việt Nam tại Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: 

"Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia rất quan tâm, chú trọng tới công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia".

Người phát ngôn nhấn mạnh trong thời gian qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đã rất tích cực chủ động làm việc với các cơ quan chức năng phía Campuchia để thúc đẩy tăng cường rà soát, mở rộng hơn nữa điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. 

"Theo số liệu mới nhất, cho tới ngày 21/9, hơn 1.000 công dân Việt Nam được giải cứu và hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác", bà Hằng thông tin. 

Đại diện Bộ Ngoại giao thông tin các cơ quan chức năng của Campuchia rất tích cực phối hợp và hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam trong việc giải cứu và bảo hộ công dân. Đặc biệt, từ đầu tháng 9, khi Campuchia mở chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm giam giữ, ép buộc người lao động bất hợp pháp, số lượng công dân Việt Nam được các cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia giải cứu lên tới khoảng 400 người. 

Thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia nhận được nhiều thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online. 

Theo đó, các nhóm đối tượng, chủ yếu là người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia đã tổ chức thành các đường dây lôi kéo, đưa đón người, hoạt động rất tinh vi để tránh sự theo dõi, phát hiện của lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia.

Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1.000 USD/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia.

Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài (tập trung nhiều ở tỉnh Sihanoukville). Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng.

Lúc này, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ.

Nhiều người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng nghìn USD mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác.

Song Hy

Tin mới