Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ năm hàng tuần

(VTC News) -

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày (thay vì 10 ngày như hiện nay) và công bố cố định vào ngày thứ Năm hằng tuần.

Thông tin này được nêu tại báo cáo tóm tắt của Bộ Công Thương về tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và 95 kinh doanh xăng dầu, gửi Văn Phòng Chính phủ ngày 10/10. Theo đó, Bộ nêu hai phương án điều hành giá xăng dầu.

Phương án một, giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời. 

Phương án hai, sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Các doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ năm hàng tuần.

Mặc dù cả hai phương án trên đều có ưu và nhược điểm, song nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cho rằng việc điều hành xăng dầu theo phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Vì vậy, để kiểm soát được nguồn cung và giá bán trong nước, bộ đề xuất lựa chọn phương án này.

Ngoài ra, thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu hiện nay là 6 tháng sẽ rút ngắn xuống 3 tháng. Để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, thời gian điều hành giá sẽ còn 7 ngày, công bố cố định vào ngày thứ năm hằng tuần.

Đối với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, bộ cho rằng hiện nay thương nhân đầu mối đang nhập khẩu từ nhiều nhà cung cấp và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. Thương nhân phân phối cũng được phép mua xăng dầu từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối khác.

Sau những xáo trộn từ thị trường xăng dầu trong nước năm 2022 và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ than lỗ nghìn tỷ. Họ kiến nghị cần có quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ - mắt xích phân phối quan trọng đưa xăng dầu tới người tiêu dùng - ổn định tài chính, kinh doanh.

Góp ý sau đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng không nên quy định mức chiết khấu tối thiểu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, để đảm bảo quyền tự quyết của doanh nghiệp, giảm can thiệp Nhà nước vào hoạt động kinh doanh.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu. Việc này cũng không trái với quy định của Luật Thương mại cũng như các quy định pháp luật về dân sự, kinh tế.

Về quy định chiết khấu cho các đại lý bán lẻ, Bộ Công Thương giải thích hiện đã có quy định mức chiết khấu đầy đủ cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. 

Chiết khấu cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần. Vì vậy, bộ khẳng định không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Ngoài ra, việc sửa đổi quy định các đại lý bán lẻ xăng dầu không thuộc hệ thống của tổng đại lý có thể mua hàng trực tiếp từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu mà không cần qua khâu trung gian là tổng đại lý. Vì vậy, có thể xem xét bỏ hình thức tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để chuỗi kinh doanh xăng dầu hoạt động hiệu quả hơn.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương cũng bày tỏ quan điểm không bổ sung loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập. 

PHẠM DUY

Tin mới