Video: Nước thải mực xà đổ ra biển Đề Gi, người dân "than trời" năm này qua năm khác.
"Đến hẹn lại lên", cứ đến mùa nắng nóng, người dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) lại chuẩn bị tâm thế ngày ngày "hít căng ngực" mùi hôi thối do chất thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà tại khu vực đầm Đạm Thuỷ gần Cảng cá Đề Gi. Và mặc dù tình trạng này diễn ra nhiều năm, báo chí liên tục phản ánh, chính quyền địa phương cũng nhiều phen "hô hào" giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn đâu đóng đấy.
Đã có lệnh đình chỉ, cấm hoạt động nhưng các cơ sở sản xuất, sơ chế mực xà xã Cát Khánh vẫn vô tư hoạt động, sử dụng xe máy vận chuyển nguyên liệu từ cảng cá Đề Gi về.
Hàng ngày, hàng chục xe đông lạnh trong tỉnh, ngoài tỉnh vận chuyển mực xà tươi đến cơ sở chế biến tại đây.
Các cơ sở chế biến mực xà đa phần nằm trong khu dân cư và ven biển Đề Gi. Hoạt động chế biến, vận chuyển diễn ra tấp nập.
Nước thải, chất thải sơ chế mực xả trực tiếp ra kênh, vùng biển Đề Gi. Nhà dân xung quanh cửa đóng then cài, người dân đeo khẩu trang cả ngày.
Chất thải phủ thành mảng trắng, nhầy nhụa....bốc mùi và phát tán rộng, đứng cách khu vực hàng km vẫn ngửi thấy.
Nước thải, chất thải dưới thời tiết nắng nóng đã khô lại, kết dính, ứ đọng trong suốt nhiều năm.
Hồ, luồng lạch, đầm nước bị "bức tử", màu nước chuyển thành màu đen.
Theo các hộ dân, mặc dù đã phản ánh rất nhiều đến chính quyền từ xã, huyện, đến UBND tỉnh Bình Định nhưng đến nay tình trạng các cơ sở chế biến mực xà xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để.
Mỗi năm, cứ đến thời điểm này người dân sống xung quanh phải cam chịu, sống chung với mùi hôi thối này kéo dài trong nhiều tháng liền.
Người dân lo lắng nếu còn phải tiếp tục sống chung với tình trạng cả nguồn nước lẫn không khí đều "bốc mùi" sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Hiện, nhiều người bị bệnh viêm xoang, đau đầu, phải đi bệnh viện điều trị.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) cho biết, hiện xã đang làm thủ tục trình lên UBND huyện Phù Cát để tổ chức đối thoại dân chủ với các cơ sở trên một lần nữa và sau đó tổ chức cưỡng chế. Trong ảnh: Cá người dân nuôi cũng chết vì nước thải từ các cơ sở chế biến mực xà.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cũng thừa nhận: "Năm nay huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa thật sự hiệu quả. Bước đầu đã hạn chế được các xe vận chuyển mực xà từ nơi khác đến. Đối với mực đánh bắt từ các tàu cá, chỉ có xe đông lạnh mới được vào cảng vận chuyển, tuy nhiên, vẫn còn một số hộ đi lối tắt, dùng xe máy lén lút vận chuyển ra ngoài. Việc này huyện, xã đã phối hợp với Ban quản lý cảng cá Đề Gi để kiểm soát".
Mực xà hay còn gọi là mực ma, mực đại dương, gây ấn tượng bởi kích thước lớn vượt trội. Mực xà được tập trung khai thác ở các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Do thịt mực xà không được ngon và ngọt như các loại mực khác nên thường được đánh bắt về phơi khô.
Theo báo cáo của UBND huyện Phù Cát, các cơ sở sơ chế mực xà thuộc địa bàn thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) đã hoạt động nhiều năm. Trung bình sơ chế khoảng 2 tấn mực tươi/ngày và cho ra khoảng 0,5 tấn mực khô/ngày; mỗi tháng hoạt động từ 10-12 ngày, công suất khoảng 30 tấn sản phẩm/năm.
Các cơ sở không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, nước thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Cơ quan liên ngành huyện Phù Cát phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TNMT Bình Định) lấy mẫu nước thải tại các cơ sở này để kiểm tra, phân tích phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà đang xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây ô nhiễm nước.
Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của 15 cơ sở này, có từ 5-6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà vượt từ 3-10 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản.
Bên cạnh đó, sau khi sơ chế, việc phơi mực ngoài tự nhiên với số lượng lớn cũng bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân địa phương.
Từ nhiều năm nay, chính quyền từ huyện Phù Cát đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 30 cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh, tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 1,3 tỷ đồng nhưng đến nay chưa cơ sở nào nộp phạt.
Đến nay, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí diễn biến phức tạp hơn.