Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Thái Nguyên: Sửa luật CAND, có thể sẽ có nữ Thứ trưởng Bộ Công an

Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu với cấp nữ thượng tá và đại tá tạo cơ hội để các cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, trong tương lại có thể sẽ có nữ Thứ trưởng Bộ Công an.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ điều này khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân trong phiên làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, sáng 2/6.

Đề xuất phương án “trung hòa” 

Bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với các nhóm chính sách mà dự án luật sửa đổi bổ sung đề cập, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ của công an, công nhân, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân là phù hợp với Bộ luật Lao động, trong đó đã có chú trọng tới việc quy định đối với các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại.

Theo dự thảo, nhóm 1 tăng ngay 2 tuổi là trung tá, thiếu tá, cấp úy và hạ sĩ quan. Đây là nhóm đối tượng có tuổi nghỉ hưu ngay trong Luật Công an nhân dân 2018 là 53 tuổi, thấp hơn quy định của Bộ luật Lao động năm 2020 (nam 60 và nữ 55). Do đó, nay Bộ luật Lao động sửa tăng tuổi nghỉ hưu chung thì nhóm này cũng phải tăng tuổi nghỉ hưu và dự thảo luật để tăng ngay 2 tuổi là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên.

Về mốc thời gian để áp dụng tăng độ tuổi theo lộ trình đối với nhóm còn lại là thượng tá và đại tá, theo bà Nguyễn Thanh Hải, nhóm này có độ tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ thống nhất với Bộ Luật Lao động trước đây nên nay Bộ luật Lao động sửa tăng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thì việc tăng tuổi nghỉ hưu trong công an cũng là phù hợp.

Tuy vậy, do Luật Công an nhân dân hiện giờ mới được xem xét sửa đổi nên chậm hơn 3 năm so với Bộ luật Lao động, do đó cần tính mốc thời gian như thế nào cho đảm bảo để tạo sự đồng bộ về độ tuổi nghỉ hưu theo luật định.

Từ phân tích trên, bà Nguyễn Thanh Hải đề xuất phương án trung hòa. Cụ thể tăng tuổi phục vụ với cấp đại tá, thượng tá trong luật thành 2 bước. Bước một là tăng ngay khi luật có hiệu lực phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên 1 năm, tương tự như việc tăng ngay 2 tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan khi luật có hiệu lực để đồng bộ hóa với độ tuổi về hưu năm 2023 chung là 60 tuổi 9 tháng với nam và nữ là 56 tuổi.

Bước hai là từ các năm sau trở đi thì tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng nữ.

Đề cập đến bình đẳng giới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ, với cấp đại tá, hiện tỉnh này có 5 nam và nữ thì không có đồng chí nào; Thượng tá là 105 đồng chí nam và nữ là 5.

“Vì vậy, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cấp nữ thượng tá và đại tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu, sao cho sau khi luật ra đời một thời gian thì số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 và số lượng nữ cấp tướng không phải chỉ là 6 người như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể thể nghĩ rằng sẽ có một nữ Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ và chia sẻ đây cũng là tâm tư của các nữ cán bộ, chiến sĩ ngành công an tỉnh Thái Nguyên gửi tới Quốc hội.

Cần giải trình trõ hơn phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần có giải trình thuyết phục hơn về việc phân biệt các mức hạn tăng tuổi phục vụ khác nhau áp dụng đối với nữ công nhân công an, nữ hạ sĩ quan và sĩ quan Công an nhân dân, hiện có 3 mức là 2 năm, 3 năm và 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy.

Theo nữ đại biểu, nếu xác định lao động của nữ sĩ quan, hạ sĩ quan là thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, môi trường nặng nhọc, độc hại như được nêu tại trang 9 của báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an số 256 thì hạn tuổi phục vụ của nhóm đối tượng này nên được quy định thống nhất là 55 tuổi để bảo đảm tương đồng với quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đối với những vị trí có yêu cầu cần kéo dài tuổi công tác hơn nữa thì áp dụng quy định về kéo dài tuổi khi đơn vị có nhu cầu và sĩ quan có nguyện vọng phục vụ.

Về lộ trình tăng tuổi phục vụ, đại biểu đề nghị cần quy định chung theo lộ trình tương ứng của Bộ luật Lao động để bảo đảm tính tương đồng, đúng như mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung luật này.

“Nếu luật quy định các trường hợp này thực hiện tăng hạn tuổi 2 năm ngay thì sẽ không bảo đảm tính đồng bộ”, bà Nguyễn Phương Thuỷ nêu quan điểm.

Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo giải thích thêm tại sao đối với các trường hợp nam mỗi năm tăng 3 tháng kể từ ngày 1/1/2021 theo lộ trình tăng tuổi của Luật Lao động, còn các đối tượng nam khác lại được tăng ngay khi luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023. Tương tự, cần giải thích rõ đối với đối tượng nữ quy định như vậy thì có đảm bảo tính công bằng, bình đẳng hay không.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt.

“Theo tôi, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ 1/1/2021 theo quy định của Bộ luật Lao động là đủ, còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể do Chính phủ quy định”, vị đại biểu đoàn Điện Biên nói.

Ngọc Thành (VOV.VN)

Tin mới