Cùng với quận 7, Cần Giờ, huyện Củ Chi là một trong 3 địa phương của TP.HCM sớm kiểm soát được dịch bệnh. Trả lời VTC News về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi khẳng định, thành công hiện nay là thành công của nhân dân Củ Chi và TP.HCM chứ không phải của riêng ai.
- Dư luận cho rằng, những thành công trong công tác chống dịch của Củ Chi vừa qua là nhờ những quyết định có tính chất "xé rào" của lãnh đạo huyện. Xin ông cho biết chi tiết hơn về việc này?
Cuối tháng 7 diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang hết sức căng thẳng. Tại huyện Củ Chi, tuy số ca nhiễm chưa nhiều như các địa phương khác nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, nhất là tại các khu dân cư đông đúc và khu nhà trọ của công nhân.
Trong thời điểm đó, lãnh đạo TP.HCM có chỉ đạo dừng xét nghiệm diện rộng, nhưng huyện Củ Chi đã quyết định xin chủ trương từ Thành phố cho huyện được tiếp tục thực hiện để kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng, kèm theo lời hứa cuối tháng 8 Củ Chi sẽ kiểm soát được dịch.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi trao quà, động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên địa bàn huyện.
Đây không phải là quyết định "xé rào" gì cả, mà khi đó huyện đánh giá là sẽ kiểm soát được dịch nếu bóc tách được F0. Ngoài ra, Củ Chi có đặc thù khác so với các địa phương khác, do đó huyện đã xin ý kiến và được lãnh đạo Thành phố đồng ý, tạo điều kiện để cho Củ Chi tiếp tục xét nghiệm diện rộng, và từ đó đến nay huyện vẫn kiên trì thực hiện việc này.
- Như vậy, ngoài việc xin lãnh đạo TP.HCM cho Củ Chi tiếp tục xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0, huyện còn có những biện pháp gì?
Tại huyện Củ Chi, hầu hết các F0 trên địa bàn huyện đều được đưa đến các cơ sở cách ly tập trung. Nguyên tắc của huyện là “không coi F0 là người bệnh”.
Từ đó, khi các F0 vào các cơ sở cách ly tập trung sẽ được quan tâm chăm lo sức khỏe chu đáo. F0 được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm trái cây, huyện còn huy động giáo viên tham gia nấu nước chanh, sả, gừng cho các F0 uống hàng ngày.
Chúng tôi để F0 vận động, tập thể dục, đi lại ở những nơi có không gian rộng thay vì chỉ ở trong phòng. Các F0 còn dược hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hàng ngày, ăn, ngủ, sinh hoạt, thể dục đúng giờ...
Đây không phải là quyết định "xé rào" gì cả, mà khi đó huyện đánh giá là sẽ kiểm soát được dịch nếu bóc tách được F0.
Ông Nguyễn Quyết Thắng
- Nghe nói huyện còn áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc cho các bệnh nhân?
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thì huyện cũng xác định yếu tố tinh thần của các F0 cũng quan trọng không kém. Tại các cơ sở cách ly tập trung đều được trang bị hệ thống loa phục vụ giải trí bằng âm nhạc để kích thích sự yêu đời, tinh thần sảng khoái. Nhờ vậy, tỷ lệ F0 không triệu chứng phải chuyển lên các tuyến điều trị rất ít.
Cùng với nâng cao hiệu quả điều trị cho F0 thì Củ Chi cũng đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100% và mũi 2 đạt 28,07%.
- Củ Chi nới lỏng trong khi nhiều địa phương khác của Thành phố và lân cận vẫn có nhiều ca nhiễm. Đây chắc chắn là điều đáng ngại...
Đúng vậy, hiện nay chiến thắng dịch bệnh mới chỉ là bước đầu nhưng để giữ được thành qủa đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước vì địa bàn huyện tiếp giáp với các địa phương xung quanh như Bình Dương, Long An, Tây Ninh, huyện Hóc Môn tình hình dịch vẫn còn phức tạp. Do đó huyện tiếp tục thực hiện chốt chặt nghiêm ngặt, chặt chẽ bên ngoài. Coi đây là biện pháp quyết định trong việc duy trì kiểm soát lây nhiễm cộng đồng, giữ vững "vùng xanh".
- Vậy trong giai đoạn mới này, Củ Chi sẽ có những biện pháp gì để nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế?
Với nguyên tắc "an toàn tới đâu, mở cửa tới đó", huyện sẽ từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong giai đoạn hiện nay, huyện sẽ mở cửa tại các xã vùng xanh với phương châm "siết chặt vòng ngoài, nới lỏng vòng trong" và các xã vẫn là pháo đài chống dịch.
Huyện sẽ cho phép mở cửa các chợ truyền thống trên nguyên tắc đảm bảo an toàn và mở cửa một số cửa hàng như văn phòng phẩm, vật tư nông nghiệp, các hoạt động sản xuất nông nghiệp được phép hoạt động, và dần dần sẽ cho hoạt động một số xí nghiệp, xưởng sản xuất có quy mô dưới 30 người.
Lực lượng y tế huyện Củ Chi lấy mẫu xét nghiệm trong các khu nhà trọ.
Cuối tuần này, huyện Củ Chi phối hợp với Sở Du lịch và Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức mở tour du lịch xanh. Khách du lịch bảo đảm được chích đủ 2 mũi vaccine, được xét nghiệm âm tính, sau đó được chở thẳng xuống huyện tham quan các khu di tích lịch sử, địa đạo, Đền Bến Giếng, Đền Bến Dược, đi chợ dã chiến Củ Chi để mua các nông sản và thăm quan các mô hình sản xuất nông nghiệp...
Huyện cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan để xây dựng các phương án để phục hồi sản xuất tại các nhà máy trong 3 khu công nghiệp trên địa bàn, trên tinh thần an toàn, chắc tới đâu mở tới đó.
Sau 1 tuần, huyện sẽ nới rộng vùng hoạt động, có nghĩa là kết hợp 3 xã hoặc 4 xã "vùng xanh" gần nhau để "nới lỏng bên trong và siết chặt vùng ngoài" làm như thế cho đến khi nào người dân được tiêm đủ vaccine 2 mũi.
- Theo ông, đến thời điểm này, huyện đã hoàn toàn thực hiện được lời hứa với lãnh đạo Thành phố chưa?
Đúng với lời hứa với lãnh đạo Thành phố, cuối tháng 8, Củ Chi đã cơ bản khống chế được dịch. Các xã trước đây từ "vùng đỏ" đã chuyển sang thành "vùng xanh. Có thể khẳng định đến thời điểm này Củ Chi đã cơ bản khống chế được dịch, chuyển qua giai đoạn bình thường mới.
Cũng phải khẳng định rằng, yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát, chiến thắng dịch bệnh là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sâu sát từ trên xuống dưới và quan trọng nhất là sự đồng hành của nhân dân. Tôi cho rằng, yếu tố này quyết định sự thành công hay không thành công trong công tác phòng chống dịch.
- Xin cảm ơn ông!