Người đàn ông 48 tuổi, Hà Nội, tiền sử mỡ máu cao, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Một ngày trước khi nhập viện, anh bị tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói - biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nhưng chủ quan nghĩ bị say rượu nên chỉ nghỉ ngơi tại nhà.
Khi thấy sức khoẻ tạm ổn, anh tham gia giao thông và xảy ra tai nạn. Vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ với các dấu hiệu đi kèm như yếu nửa người, đau đầu, lơ mơ, phát âm khó.
Kết quả chụp chiếu ghi nhận sọ não tắc một nhánh động mạch, là nguyên nhân khiến người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân không thể điều khiển phương tiện giao thông, gây va chạm.
Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh đột quỵ. (Ảnh: BVCC)
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, ê kíp kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ, lấy bỏ cục huyết khối tắc, tái thông mạch máu cho người bệnh. Hiện người này được theo dõi hồi sức tích cực.
Đột quỵ xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay - chân, sa sút trí tuệ, liệt nửa người, viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân chủ yếu là chủ quan về sức khỏe, bỏ qua các dấu hiệu bệnh dẫn đến nhập viện muộn, gây khó khăn trong điều trị.
Các nguy cơ gây nên đột quỵ là thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, thừa cân, béo phì, thức khuya, căng thẳng.
Các bác sĩ khuyên người dân cần nâng cao nhận thức về phòng tránh đột quỵ, có lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, rượu bia và đi khám định kỳ. Đau đầu dữ dội, thay đổi giọng nói, một bên mặt chảy xệ đi kèm những dấu hiệu đặc thù có thể cảnh báo sớm cơn đột quỵ sắp diễn ra. "Mỗi người nên lắng nghe cơ thể, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời", bác sĩ Yên khuyến cáo.