Theo các chuyên gia, khi bị ong đốt, tùy loại ong mà nọc độc sẽ ít hay nhiều. Loài ong thường không độc là ong mật. Tuy nhiên cũng có loài độc tố nguy hiểm có thể gây chết người chỉ với vài vết đốt là ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày) hay ong bầu.
Khi bị đốt, tùy theo số lượng vết đốt mà có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí có thể bị sốc phản vệ, suy gan, suy thận hay rối loạn đông máu rất nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, bị ong đốt nhẹ thì có thể sưng, đau, phù nề, nặng sẽ có nguy cơ sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, co giật, thậm chí mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc hiểu rõ cách sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân bị ong đốt là rất cần thiết.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, khi phát hiện có người bị ong đốt, việc đầu tiên bạn cần làm là đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong càng nhanh càng tốt. Tiếp đó bạn nên đặt nạn nhân nằm yên, hạn chế cử động. Tuyệt đối không dùng tay nặn nọc độc vì túi độc có thể vỡ làm lan nọc ra thấm sâu vào cơ thể. Bạn có thể dùng nhíp để gắp nọc độc (nếu hiểu biết).
Đối với vết thương do ong đốt, mọi người cần rửa sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng. Bạn cũng cần cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố ra khỏi cơ thể. Có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau và giảm sưng.
Các dấu hiệu chứng tỏ bị ong độc đốt là: Nạn nhân than mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi mẩn, tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở.
Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác. Phần bị đốt nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Khi thấy nạn nhân có những biểu hiện như tím tái, khó thở, phù mí mắt hay tụt huyết áp, bạn cần nhanh chóng đưa người này tới bệnh viện. Bởi rất có thể, trường hợp này bị sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.