Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch cuộc đời của nhà nữ toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20

Mất mát sau sự ra đi của cha và bị từ chối học đại học dù thành tích xuất sắc, Olga Ladyzhenskaya trở thành một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Mặc dù phải đối mặt với vô số thách thức, sự cống hiến của nhà nữ toán học Olga Ladyzhenskaya với những đóng góp mang tính đột phá đã củng cố di sản của bà với tư cách là một trong những nhà toán học hàng đầu thế kỷ 20.

Olga sinh ra và lớn lên ở thị trấn nông thôn nhỏ Kologriv, quận Kologrivsky, tỉnh Kostroma, Nga. Cha bà xuất thân quý tộc, là giáo viên dạy Toán và đã sớm truyền cho con gái nguồn cảm hứng, tình yêu toán học.

Cha là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà nữ toán học Olga Ladyzhenskaya.

Olga rất thân thiết nhất với cha mình. Ông đã dạy toán cho con gái vào mùa hè năm 1930, bắt đầu bằng việc đưa ra những giải thích về các khái niệm cơ bản của hình học. Sau đó, ông đưa ra một số định lý và lần lượt yêu cầu các con gái chứng minh- điều đã giúp Olga bộc lộ năng khiếu tư duy logic ngay từ khi còn nhỏ. 

Ông nội của bà, Gennady Ladyzhensky, là một họa sĩ nổi tiếng. Ngôi nhà của họ chứa rất nhiều sách, trong đó chủ yếu là sách về lịch sử và mỹ thuật. Đây gần như là nguồn tài liệu giáo dục duy nhất, đặc biệt khi thị trấn Kologriv nằm quá xa các trung tâm văn hóa.

Bi kịch nối tiếp

Khi bà 15 tuổi, bi kịch gia đình ập đến khi cha bà bị chính quyền xử tử, Olga mất đi điểm tựa tinh thần vững chãi. Mẹ và chị gái phải đi bán váy, giày và xà phòng để trang trải cuộc sống cả gia đình, theo Tạp chí Times.

Mặc dù giành được một suất vào Đại học Bang Leningrad với điểm số ấn tượng nhưng Olga vẫn bị cấm theo học vì lý lịch gia đình. Tuy nhiên, bà không bỏ cuộc.

Sau nhiều năm dạy toán ở trại trẻ mồ côi và trường trung học, cuối cùng bà đã được nhận vào Đại học quốc gia Moscow vào năm 1943 do sự can thiệp từ mẹ của một trong những học sinh bà dạy.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Ladyzhenskaya, công cụ tìm kiếm Google đã đặt biểu tượng để tưởng nhớ bà.

Dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng thời bấy giờ Andrey Kolmogorov, con đường phát triển học thuật của Olga đã phát triển mạnh mẽ. Kolmogorov, được biết đến với công trình có ảnh hưởng về lý thuyết nhiễu loạn và xác suất, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan tâm nghiên cứu của Olga, tập trung vào các khía cạnh toán học của động lực học chất lỏng.

Sau khi tốt nghiệp năm 1947, Olga một lần nữa chuyển đến Leningrad do hoàn cảnh gia đình và trở thành nghiên cứu sinh sau đại học tại Đại học bang Leningrad. Trong năm đó, bà kết hôn với Andrei Alexevich Kiselev, một chuyên gia về lý thuyết số và lịch sử toán học, ở thành phố Leningrad. 

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của cặp đôi rất ngắn ngủi vì Andrei muốn có con, nhưng Olga muốn cống hiến cả đời cho toán học. Bà cảm thấy rằng trẻ con có thể là một trở ngại. Olga sống một mình trong suốt quãng đời còn lại.

Khẳng định vị thế đỉnh cao

Năm 1949, Olga bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tập trung vào các phương trình vi phân từng phần. Thành tựu này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Olga về các khái niệm toán học phức tạp và đánh dấu sự khởi đầu những đóng góp đáng kể của bà cho lĩnh vực này.

Bất chấp nhiều bi kịch, Olga không ngừng cống hiến và được ghi nhận là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Olga sau đó trở thành người đứng đầu Phòng thí nghiệm Vật lý Toán học tại Viện Toán học Steklov và là tác giả của hơn 250 bài báo. Bất chấp những thách thức do bối cảnh chính trị, Olga Ladyzhenskaya vẫn nhận được sự công nhận vì những đóng góp xuất sắc của bà cho toán học. 

Năm 1990, bà trở thành người đứng đầu Hiệp hội Toán học St. Petersburg sau 39 năm là thành viên, đồng thời trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga danh tiếng. Năm 2002, Olga được trao Huy chương Vàng Lomonosov, vinh dự cao nhất cho thành tựu toán học ở Nga. 

Ladyzhenskaya cũng yêu thích nghệ thuật và hay tham gia vào các hoạt động từ thiện. Bà gặp nhiều vấn đề về mắt trong những năm cuối đời và phải dựa vào những cây bút chì đặc biệt để thực hiện công việc của mình.

Ngay cả trong những năm cuối đời, bà vẫn tích cực nghiên cứu và giảng dạy. Hai ngày trước chuyến đi tới Florida (Mỹ) vào năm 2004, bà âm thầm qua đời trong giấc ngủ ở tuổi 81.

Di sản của Olga Ladyzhenskaya đã đặt nền móng cho những tiến bộ trong hiểu biết về động lực học chất lỏng và truyền cảm hứng cho các nhà toán học thế hệ kế tiếp khám phá sự phức tạp của các phương trình vi phân từng phần. 

Tác động của nhà nữ toán học Nga vượt xa lĩnh vực nghiên cứu. Trong suốt sự nghiệp, bà đã giữ nhiều vị trí học thuật khác nhau và trở thành một nhà giáo dục tận tâm. Niềm đam mê giảng dạy và hướng dẫn sinh viên của bà đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành thế hệ các nhà toán học tiếp theo.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới