Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch cuộc đời của thiên tài piano: Áp lực, trầm cảm suốt 14 năm

Nửa đầu cuộc đời của thiên tài piano Khổng Tường Đông tựa như bản giao hưởng ngọt ngào, thế nhưng ông phải trải qua nốt trầm kéo dài cả thập kỷ do chứng trầm cảm.

Thần đồng piano Khổng Tường Đông sinh năm 1968 tại TP Thượng Hải, Trung Quốc. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, cha làm việc xa nhà, tình cảm gia đình rạn nứt. Cha mẹ ly dị khi Khổng Tường Đông mới 13 tuổi. Ba mẹ con phải sống trong một căn nhà bếp rộng 8m2 trong một dinh thự truyền thống ở Thượng Hải. 

Viết tiếp giấc mơ của mẹ và thầy giáo

Mặc dù gia cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp chính thức nhưng mẹ của Khổng - một người yêu âm nhạc nhưng không có điều kiện theo đuổi đã chọn con đường trở thành nghệ sĩ piano thay cho con trai. Từ năm 5 tuổi, cậu bé Khổng đã bắt đầu học piano, theo CCTV. Cây đàn piano đầu tiên mà Khổng Tường Đông được mua là vào năm ông 7 tuổi.

Khổng Tường Đông (bên trái) 17 tuổi và người thầy Phạm Đại Lôi.

Mặc dù nó chỉ là cây đàn piano đã qua sử dụng, nhưng mẹ ông đã phải vay nợ 860 NDT. Vào thời điểm đó, chi phí sinh hoạt cho gia đình ba thành viên tổng cộng chưa đến vài chục tệ một tháng. Để trả nợ, mẹ ông phải làm nhiều công việc khác nhau từ sáng sớm đến tối khuya.

“Mẹ rất nghiêm khắc và luôn thúc ép tôi học đàn chăm chỉ. Nếu không có bà, tôi sẽ không có ngày hôm nay”, Khổng Tường Đông chia sẻ với tờ Sina. 

Năm 1978, ông được nhận vào lớp piano của trường tiểu học Nhạc viện Thượng Hải với nền tảng kém hơn bạn bè. 4 năm sau, ông theo học cấp trung học và được người thầy Phạm Đại Lôi, một nhà piano huyền thoại của Trung Quốc, tận tình dạy dỗ. Có những hôm, thầy Lôi kèm cặp cậu học trò chơi đàn đến 10 tiếng/ngày tại phòng trọ của thầy. 

“Thầy đã đặt toàn bộ kỳ vọng vào tôi. Thế hệ thầy đã bỏ lỡ thời kỳ hoàng kim trong Cách mạng Văn hóa. Vì vậy, thầy muốn tôi viết tiếp ước mơ của thầy”. 

Tháng 2/1985, ông giành giải Nhất cuộc thi piano toàn quốc do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức. Năm 1986, ở tuổi 18, ông đã tổ chức một buổi hòa nhạc của riêng mình tại Thượng Hải, giành huy chương đồng tại cuộc thi piano quốc tế Tchaikovsky lần thứ 8 tại Moscow (Liên Xô) và giành được vị trí thứ tư trong Cuộc thi Piano Quốc tế Paloma O'Shea lần thứ 9 tại Tây Ban Nha. 

Năm 1988, ông tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc danh giá Curtis (Mỹ) và tiếp tục giành được nhiều giải thưởng quốc tế, đồng thời, tổ chức được các buổi biểu diễn tại các trung tâm nghệ thuật lớn ở New York. 

Năm 1988, Khổng Tường Đông giành giải nhất trong cuộc thi piano quốc tế Gina Bacall tại Mỹ. Ông thể hiện xuất sắc các tác phẩm "khó nhằn" như bản Rhapsodie espagnole của Franz Liszt, Waltz of the Flowers của Tchaikovsky và bản Sonata thứ hai sắc sảo và bốc lửa của Robert Muczynski.

Ở độ tuổi 20, Khổng trở thành niềm tự hào của người dân Trung Quốc và là một trong những ngôi sao lớn nhất thế giới ở lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Ông đã đi lưu diễn trên 40 quốc gia khắp thế giới, thu âm album cho các hãng có uy tín như BMG/RCA Red Seal và Arcadia.

Khổng đặc biệt gây ấn tượng với giới phê bình nghệ thuật trong nước và quốc tế. Ông chơi với năng lượng truyền cảm và cảm giác thanh khoản nhịp nhàng. Ngay cả trong những đoạn dày đặc nhất, ồn ào nhất, mọi sợi kết cấu âm nhạc đều được thể hiện rõ ràng, đặt đúng chỗ và cẩn thận, theo nhận xét của The New York Times.

Mải mê với piano mà kiệt quệ sức khỏe tinh thần

Ông trở về Trung Quốc vào năm 1997 và thành lập Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật Khổng Tường Đông tại TP Phố Đông (Thượng Hải) - một tổ chức giáo dục nghệ thuật ở thời kỳ đỉnh cao tự hào có 20 chi nhánh trên khắp Trung Quốc.

Năm 2000, Khổng cũng trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tây Bắc, Đại học Sư phạm Tân Cương, và Đại học Sư phạm Giang Tây. Ông tham gia nhiều buổi hòa nhạc kỷ niệm các sự kiện quan trọng quốc gia và quốc tế của Trung Quốc và được các nhà lãnh đạo nước này hết lời ca ngợi. 

Sự nghiệp đang đi lên thì kể từ tháng 9/2008, ông đột nhiên biến mất trước công chúng. “Tôi dần dần rơi vào trầm cảm. Tôi chỉ đơn giản quá mải mê với công việc mà không nhận thấy sức khỏe tinh thần xấu đi. Đến năm 2008, tôi đã kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần”, Khổng Tường Đông trải lòng với tờ Six Tone.

Khổng đã từ chối tất cả các cơ hội biểu diễn và tránh gặp bất cứ ai. “Để ngăn bạn bè định vị tôi, tôi đã thay đổi số điện thoại di động của mình 21 lần”.

Ở độ tuổi 40, Khổng Tường Đông vẫn để người mẹ già phải lo lắng. “Trong ba tháng đen tối nhất, mẹ tôi để bữa ăn của tôi trên một chiếc ghế ngoài cửa nhà. Khi con gái tôi trở về từ Mỹ để thăm, tất cả những gì tôi có thể làm là nhìn qua lỗ cửa”.

Ở đỉnh cao sự nghiệp, Khổng Tường Đông đã từ bỏ hào quang của sân khấu để quay về tìm lại bản thể của mình.

Đã có nhiều khoảnh khắc Khổng có ý định tự tử. “Tôi đứng ở ban công có lẽ 10 phút nhưng cảm giác như cả cuộc đời. Nhiều cảnh tượng lóe lên trước mắt tôi: luyện tập piano khi còn nhỏ, tiếng vỗ tay sau buổi biểu diễn. Sau 10 phút, tôi quay trở lại bên trong. Tôi tự nhủ rằng thiên đàng không đưa tôi đi và tôi phải cho mình một khởi đầu mới”.

Tình hình cải thiện dần dần, Khổng bắt đầu cởi mở hơn với bạn bè và gia đình. Sau này, ông mới biết điều này là nhờ người mẹ đã bí mật bỏ thuốc chống trầm cảm vào bữa ăn và súp trong hơn một năm với hy vọng tình trạng của con trai sẽ cải thiện hơn. 

Tháng 11/2023, Khổng Tường Đông quay trở lại với ánh đèn sân khấu. Ông luyện tập piano trung bình từ 6-8 tiếng/ngày trong suốt 3 tháng. 

Đoạn video Khổng chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Trung Quốc với hơn 4 triệu lượt xem, với nhiều lời khen ngợi:

“Thiên tài đã trở lại!”."Khi còn trẻ, tôi luôn vội vã cho các cuộc thi và biểu diễn, chạy nước rút mọi lúc và không ngừng. Nhưng bây giờ, tôi không còn gì phải lo lắng nữa. Tôi có thể luyện tập piano mỗi ngày và dùng bữa cùng mẹ. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, tập trung nhất và thoải mái nhất trong cuộc đời tôi".

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới