“Sống dưới sự cai trị của chế độ Taliban giống như ở trong một mối quan hệ bạo lực. Ban đầu mọi thứ đều tốt. Họ hứa hẹn rất nhiều, họ hành động cẩn thận, thậm chí còn thực hiện một số lời hứa”, cô nói.
“Nhưng khi bạn bắt đầu chìm vào cảm giác an toàn giả tạo, họ ngấm ngầm thực hiện kế hoạch. Không lâu sau, từng chút một, khi thế giới bắt đầu không còn quan tâm đến Afghanistan và truyền thông bàn đến những tin tức khác, họ siết chặt gọng kìm quyền lực và vòng xoáy kinh sợ bắt đầu”.
Cha của Fibra sinh ra ở Herat, Afghanistan. Ông tốt nghiệp đại học Kabul.
Sau khi học xong đại học, ông kết hôn và bắt đầu làm việc trong một nhóm nhỏ cho chính phủ Afghanistan khi đó.
“Khi người Nga đi và Mujahadin (nhóm nổi dậy) giành quyền lực, cha tôi tìm được việc làm cho một tổ chức phi chính phủ. Cuối cùng khi Taliban vào Herat, cha tôi đã có cơ hội để đi nhưng ông quyết định ở lại. Ông ấy yêu công việc và yêu Herat”.
Khi Friba 10 tuổi cũng là lúc cô nhìn thấy cha mình lần cuối cùng. Gia đình cô tin rằng ông đã bị Taliban bắt cóc.
Một số phụ nữ và trẻ em chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh giữa Taliban và quân đội Afghanistan, tại một công viên ở Kabul. (Ảnh: AP)
"Tôi không thể nào quên gương mặt mẹ"
Friba kể lại: “Cuộc sống của chúng tôi trầy trật dưới chế độ Taliban. Cha tôi có bốn đứa con gái thì đều bị tước đi cơ hội học hành, chỉ còn một cậu con trai nhỏ tuổi. Nhưng công việc rất tốt và ông ấy cũng là người có tham vọng, cho bản thân và gia đình”.
Buổi sáng giữa tháng 6/1999, cha của Friba vừa ăn sáng xong và chuẩn bị đi làm. Ông nhìn cô cười trước khi leo lên xe đạp rời đi.
Vài phút sau, vài người hàng xóm xuất hiện trước cửa nhà Friba, mang theo xe đạp của cha cô. Họ nói Taliban đã bắt ông.
“Tôi sẽ không bao giờ quên gương mặt mẹ lúc đó. Bà cứng đờ vì sốc”, Fibra nói.
Bà đưa em trai 5 tuổi của cô chạy ra ngoài, tìm kiếm người chồng trong tuyệt vọng. Tối hôm đó bà trở lại với đôi vai nặng trĩu.
“Không có tin tức gì của ông ấy, chúng tôi không biết ông ở đâu hay thậm chí có còn sống không. Mẹ tôi ngày nào cũng đến văn phòng Taliban, tất cả các văn phòng. Nhưng không ai lắng nghe bà.
Sau khi tìm kiếm mọi ngõ ngách, chú tôi đến Kandahar vì nghe tin Taliban di chuyển một số tù nhân ở đó, nhưng cũng không có tin tức gì. Ông ấy đến Kabul, rồi Mazar-i-Sharif nhưng cha tôi đều không có ở đó”.
Những người hàng xóm chắc chắn đã nhìn thấy một số thành viên Taliban bắt giữ cha cô. Một số người hàng xóm khác bị bắt và đã được thả từ một nhà tù ở Herat.
Sự quay lại của Taliban khiến phụ nữ Afghanistan khiếp sợ. (Ảnh minh họa)
Bất chấp lời khuyên của người thân, mẹ Friba mang theo em trai đến Kandahar vào văn phòng lãnh đạo Taliban, Mullah Omar. Bà phải đưa cậu bé đi cùng vì theo luật của Taliban phụ nữ chỉ có thể ra ngoài nếu có nam giới.
“Taliban đánh và đe dọa bà. Những kẻ đó nói nếu chúng còn thấy bà lần nữa bà sẽ bị ném đá đến chết. Mẹ tôi thất vọng quay về nhà, cảm thấy hoàn toàn đã bị đánh bại”.
“Chúng tôi không thể tha thứ cho Taliban”
Cuộc đời gia đình Friba đi từ địa ngục này sang địa ngục khác. Tất cả tiếp tục chìm xuống hố sâu tuyệt vọng sau khi người cha biến mất.
Phụ nữ Afghanistan phải che kín khi ra ngoài theo luật Hồi giáo. (Ảnh: AP)
Mẹ cô vì lo sợ tính mạng gia đình bị đe dọa, quyết định rời Afghanistan và đưa các con đến Mashhad, Iran.
Năm 2004, khi tình hình ở Afghanistan cải thiện, gia đình cô quay lại. “Chúng tôi muốn học và tự mình làm thứ gì đó. Chúng tôi muốn hoàn thành những nguyện vọng của cha”.
“Tôi vẫn nhớ nụ cười tươi của ông, chiếc bút mà ông tặng tôi. Chúng tôi đã không thể khóc thương cho ông. Chúng tôi sẽ không quên ông”.
Khi xem tin tức về tiệc Taliban tái chiếm Afghanistan, cô lo sợ lịch sử sẽ lặp lại.
“Giờ tôi đã kết hôn và sống ở Anh. Nhưng tôi lo cho mẹ, các em gái và em trai vẫn còn ở Afghanistan, cũng như hàng triệu người sẽ phải trải qua nỗi đau và mất mát như gia đình chúng tôi”.
“Mà họ có tội gì, ngoài việc sinh ra ở Afghanistan?”, cô nói.
Bên trong một chuyến bay sơ tán đi khỏi Afghanistan sau khi Taliban giành kiểm soát. (Ảnh: Daily Mail)