Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí ẩn lớp tuyết biết phát sáng ở Bắc Cực

(VTC News) -

Khi đi dạo bên bờ biển Trắng, nhà vi sinh vật Vera Emelianenko vô tình phát hiện ra những ánh sáng kỳ lạ bên dưới lớp tuyết.

Nhà vi sinh vật người Nga khám phá hiện tượng này khi đang đi dạo cùng con trai dọc theo bờ biển Trắng vào tháng 12 năm ngoái. Cũng theo Emelianenko, lớp tuyết phát sáng ông tìm thấy phát ra ánh sáng trông giống như đèn Giáng sinh. Khi ông bóc lấy một nắm tuyết và bóp lại thì ánh sáng càng rực rỡ hơn.

Vera Emelianenko đang làm việc cho trạm nghiên cứu khoa học biển Trắng thuộc Đại học Quốc gia Moskva ở Bắc Cực. Trong suốt 80 năm hoạt động của trạm nghiên cứu này, các nhà khoa học Nga chưa từng ghi nhận hiện tượng như trên.

Ánh sáng màu xanh lam phát ra từ lớp tuyết gần trạm nghiên cứu của Emelianenko. (Ảnh: Alexander Semenov)

Để lưu lại phát hiện của mình, Emelianenko còn mời Alexander Semenov – một nhiếp ảnh gia của trạm nghiên cứu tới chụp lại những lớp tuyết phát sáng.

Emelianenko cùng đồng nghiệp chỉ cần đi bộ qua lớp tuyết chúng cũng tự phát sáng, ánh sáng sau đó sẽ yếu dần.

Để làm rõ điều gì làm tuyết ở biển Trắng phát sáng, Emelianenko đã lấy một số mẫu tuyết về trạm nghiên cứu và phát hiện ra những con Metridia longa, một loài giáp xác khả năng tự phát quang dài vài mm bên trong các mẫu vật. Loài Metridia longa đặc biệt thường được tìm thấy ở Bắc Cực và các vùng biển xung quanh, cũng như Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Hiện tượng kỳ lạ này xuất phát từ một loài giáp xác có khả năng tự phát quang sống ở các vùng biển xung quanh Bắc Cực. (Ảnh: Daily Mail)

Metridia longa thường sống ở các đại dương cách xa bờ dưới độ sâu từ 20 đến 90 mét vào ban ngày và thường trồi lên mặt nước vào ban đêm. Việc chúng xuất hiện dọc bờ biển Trắng và mắc lại trên lớp tuyết có thể là do sóng.

Theo Ksenia Kosobokova, một chuyên gia về động vật phù du biển Bắc Cực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, những con metridia này rất có thể bị cuốn vào một dòng hải lưu thường chảy qua biển Trắng vào đầu tháng 12 hàng năm sau đó bị sóng đánh dạt vào bờ.

Kosobokova cho biết, loài giáp xác này có thể vẫn còn sống dù đã bị vùi trong tuyết. Nhưng cũng có thông tin cho thấy chúng vẫn có thể tự phát quang ngay cả sau khi đã chết hoặc bị nghiền nát.

Trà Khánh (Nguồn: rbth)

Tin mới