Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đến chiều 3/9, bệnh nhân nam, ở Vũng Tàu, là người mới nhất được ghi nhận ngộ độc botulinum, đã tỉnh. Các dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định nhưng vẫn phải thở máy. Sức cơ còn yếu, mi mắt sụp hoàn toàn. Hiện, bệnh nhân được chăm sóc tích cực tại Đơn vị Chống độc.
"Bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi sát, tăng cường dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu và phòng ngừa nhiễm trùng", bác sĩ Hùng nói.
Bệnh nhân đã tỉnh lại song vẫn phải thở máy hỗ trợ phần cơ hô hấp bị liệt, tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đây là bệnh nhân thứ 11 bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay, sản phẩm của công ty Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới, trụ sở tại Hà Nội. Trước đó, ông suốt ba ngày liên tiếp ăn pate Minh Chay. Đến sáng ngày thứ tư, ông bắt đầu đau chướng bụng, buồn nôn, nôn ói. Các biểu hiện khó thở, khó nuốt, tê liệt tay chân, sụp mí mắt xuất hiện tăng dần trong các ngày tiếp theo. Bệnh nhân đi khám nhiều cơ sở y tế nhưng không xác định được nguyên nhân bệnh.
Khi nhập viện Chợ Rẫy, ông phải thở máy, liệt hoàn toàn. Tại bệnh viện đang điều trị năm ca tương tự, các bác sĩ sau đó xác định họ cùng bị ngộ độc botulinum, được sinh ra từ vi khuẩn Clostridium botulinum có trong các hộp pate Minh Chay. Vi khuẩn này rất hiếm gặp, không xuất hiện trong khoảng 40 năm qua tại Việt Nam nên khó chẩn đoán và không có huyết thanh kháng độc tố.
Các bác sĩ tập trung điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân, bao gồm thở máy, lọc máu, thay huyết tương, tập vật lý trị liệu, tăng cường dinh dưỡng. Đến khi lượng độc tố trong cơ thể đào thải hết, bệnh nhân sẽ dần hết liệt và phục hồi. Tuy nhiên, quá trình này kéo dài và phức tạp. Bệnh nhân phụ thuộc thở máy lâu nên dễ gặp các biến chứng như viêm, tổn thương phổi, nhiễm trùng, loét do tì đè...
Hiện, Việt Nam ghi nhận 11 ca ngộ độc pate Minh Chay phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hầu hết bệnh nhân có quan hệ gia đình, bạn bè. Trong đó, hai bệnh nhân là vợ chồng điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. 9 trường hợp khác tại TP.HCM, có hai ca là chị em gái, người Long An điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. 7 ca chữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy, là cặp vợ chồng ngụ Khánh Hòa; ba người bạn ở Vũng Tàu và Đồng Nai. Ngoài ra, có hai ca đơn lẻ là một người đàn ông ở Vũng Tàu và một người phụ nữ ở Bình Dương.
Tất cả các bệnh nhân đều có thời gian chữa trị trên một tháng, phải thở máy. Hiện 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đã xuất viện.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh. Chúng tấn công gây tổn thương đầu mút các dây thần kinh, khiến việc dẫn truyền thần kinh đến cơ không còn, gây yếu liệt. Người bệnh không thể tự thở, cử động tay chân nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo. Dù điều trị tích cực, tình trạng này vẫn kéo dài vài tháng, có thể liệt không hồi phục. Thậm chí, bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.