Những tưởng thời cơ trở lại vị thế lãnh đạo sau gần 10 năm đã đến, song trở ngại đối với Đảng "Vì nước Thái" cũng không khác Đảng Tiến bước là bao, thậm chí còn rơi vào thế khó xử hơn - thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Chủ tịch Đảng Vì nước Thái và Đảng Tự hào Thái tổ chức họp báo sau cuộc họp ngày 22/7. (Ảnh: Somchai Poomlard)
Thời cơ trở lại vị thế sau 10 năm
Có tiền thân là các đảng cầm quyền bị giải thể Người Thái yêu người Thái (TRT) và Quyền lực Nhân dân (PPP), Đảng Vì nước Thái được đánh giá là chính đảng có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và phát triển đất nước. Đảng này nổi tiếng với nhiều chính sách dân túy nên thu hút sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp cử tri, nhất là người nông dân ở Thái Lan.
Đảng Vì nước Thái hiện cũng không chủ trương đụng chạm các vấn đề nhạy cảm liên quan đến thể chế, vị thế của Hoàng gia, nên cơ bản không vấp phải phản ứng quá gay gắt từ giới tinh hoa. Các chính đảng bảo thủ cũng không phản đối việc Đảng Vì nước Thái giành quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái nhận thức rất rõ đây chính là những ưu thế của đảng này khi lĩnh xướng vai trò thành lập chính phủ mới.
Tuy vậy, nhận thức là một chuyện, trong khi hành động và thực tế lại là một chuyện rất khác. Để Đảng Vì nước Thái trở thành đảng cầm quyền, ứng cử viên Thủ tướng của đảng này phải vượt qua vòng bỏ phiếu bầu Thủ tướng sắp tới, tức phải giành được sự ủng hộ của ít nhất 375/748 nghị sỹ Quốc hội (1 thượng nghị sỹ đã từ chức và Chủ tịch Đảng Tiến bước Pita bị tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sỹ).
Đảng Vì nước Thái đang tham gia và chịu sự ràng buộc nhất định của Biên bản ghi nhớ thành lập liên minh 8 chính đảng, vốn do Đảng Tiến bước lãnh đạo kể từ ngày 22/5 đến nay. Liên minh này hiện có 311 ghế hạ nghị sỹ (do), do đó Đảng Vì nước Thái phải vận động, lôi kéo sự ủng hộ của 64 thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ của các chính đảng bảo thủ.
Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái và Đảng Quốc gia Thái thống nhất gặp nhau ngày 22/7. (Ảnh: Somchai Poomlard)
Lập trường kiên định của các đảng bảo thủ và thượng nghị sỹ
Trong nỗ lực vận động, thuyết phục để giành thêm 64 phiếu ủng hộ, Đảng Vì nước Thái đã tiến hành một chiến dịch đàm phán cấp tập với hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong 3 ngày qua.
Đến nay, ngoại trừ Đảng Dân chủ (do đảng này không có Ban Lãnh đạo), Đảng Vì nước Thái đã tổ chức các cuộc thảo luận với tất cả các đảng lớn không thuộc liên minh 8 đảng như Đảng Tự hào Thái, Quốc gia Thái Thống nhất (UTN), Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP), Chart Thai Pattana. Cùng với đó, Đảng Vì nước Thái cũng thành lập nhóm vận động hành lang các thượng nghị sỹ do cựu Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit dẫn đầu.
Sau các hoạt động gặp gỡ dồn dập này, mặc dù có những điểm tích cực, song một phản hồi thống nhất mà Đảng Vì nước Thái nhận được đó là các chính đảng bảo thủ và đa số các thượng nghị sỹ phản đối việc sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự, được gọi là điều luật chống khi quân, và sẽ không hợp tác với bất kỳ chính đảng hay liên minh chính đảng nào có chủ trương, ý định sửa đổi này. Hay nói cách khác, các chính đảng và thượng nghị sỹ sẵn sàng ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Vì nước Thái, với điều kiện Đảng Tiến bước không nằm trong chính phủ liên minh.
Nhiều thượng nghị sỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ Somchai Sawangkarn, với tư cách là Tổng Thư ký của nhóm Thượng nghị sỹ trong Quốc hội, còn công khai tuyên bố Đảng Vì nước Thái không cần mất thời gian để gặp gỡ, thuyết phục họ. Lập trường của các thượng nghị sỹ đã rất rõ ràng và sẽ không thay đổi.
Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái và Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân gặp nhau ngày 23/7. (Ảnh: Apichart Jinakul)
Người ủng hộ quay lưng, Đảng Tiến bước không thay đổi lập trường
Các cuộc đàm phán cấp tập của Đảng Vì nước Thái trong 3 ngày qua đã vấp phải sự phản ứng của một bộ phận cử tri ủng hộ dân chủ nói chung và ủng hộ đảng này nói riêng. Đáng chú ý, một nhóm người biểu tình hôm 23/7 đã tập trung bên ngoài trụ sở chính của Đảng Vì nước Thái trong khi lãnh đạo đảng này đang có các cuộc gặp với đại diện PPRP.
Nhóm biểu tình yêu cầu Đảng Vì nước Thái tôn trọng cam kết trước cử tri, không liên minh, hợp tác với đảng PPRP và UTN. Một số người biểu tình quá khích đã ném bột trắng vào Chủ tịch Đảng Vì nước Thái Cholnan Sriakaew, đòi ông phải từ chức. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm ủng hộ dân chủ cũng phản đối các động thái của Đảng Vì nước Thái và kêu gọi Chủ tịch đảng này phải từ chức; cảnh báo liên minh cầm quyền do Đảng Vì nước Thái lãnh đạo mà không bao gồm Đảng Tiến bước sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
Nhiều học giả, giới nghiên cứu chính trị Thái Lan cũng cho rằng các động thái của Đảng Vì nước Thái đang tạo ấn tượng rằng đảng này đang sử dụng các chính đảng khác để gia tăng sức ép, buộc Đảng Tiến bước rời khỏi liên minh 8 chính đảng.
Trước làn sóng chỉ trích của người ủng hộ, Chủ tịch Đảng Vì nước Thái Cholnan đã liên tục đăng đàn, nhấn mạnh đảng này không mời các chính đảng khác tham gia liên minh 8 chính đảng hiện nay. Thay vào đó, đảng này chỉ đang tìm kiếm sự ủng hộ cho ứng cử viên Thủ tướng của đảng này thông qua việc gặp gỡ, lắng nghe quan điểm về cách thức giải quyết bế tắc chính trị hiện nay.
Trong khi đó, Đảng Tiến bước cũng liên tục phát đi thông điệp sẽ kiên trì nguyên tắc và các cam kết tranh cử, tiếp tục chủ trương thúc đẩy sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự trong thời gian tới. Đảng Tiến bước cũng tuyên bố không từ bỏ liên minh 8 đảng do đảng này thành lập; nhấn mạnh việc đảng này rời bỏ liên minh sẽ chỉ làm cử tri thất vọng.
Thành viên cấp cao Đảng Vì nước Thái, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit làm trưởng nhóm vận động hành lang thượng nghị sỹ. (Ảnh: The Nation)
Lối đi nào giúp Đảng Vì nước Thái thoát thế “tiến thoái lưỡng nan”?
Rõ ràng Đảng Vì nước Thái đang đứng trước cơ hội lớn để trở lại vị thế lãnh đạo sau gần 10 năm, song vị thế của đảng và cục diện chính trường Thái Lan hiện nay đang gây ra những trở ngại rất lớn cho tham vọng này.
Kết quả đàm phán với các chính đảng bảo thủ và thượng nghị sỹ dường như cho thấy Đảng Vì nước Thái không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ hợp tác với Đảng Tiến bước nếu muốn thành lập chính phủ tiếp theo. Tuy nhiên, việc chủ động thành lập chính phủ mà không có sự tham gia của Đảng Tiến bước chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của cử tri ủng hộ dân chủ. Bên cạnh đó, Đảng Tiến bước cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này.
Chủ tịch Đảng Vì nước Thái Cholnan cho biết phản hồi của các chính đảng bảo thủ và thượng nghị sỹ có thể khiến nỗ lực của đảng này đi vào ngõ cụt, trừ khi Đảng Tiến bước tự nguyện đồng ý tách khỏi liên minh 8 đảng và trở thành phe đối lập tại Hạ viện.
Liên minh 8 chính đảng sẽ nhóm họp vào 14h ngày hôm nay (25/7). Đảng Vì nước Thái được cho là sẽ báo cáo lại cho liên minh kết quả các cuộc đàm phán trong 3 ngày qua để liên minh thảo luận các bước đi tiếp theo. Đảng Vì nước Thái sẽ cố gắng chỉ ra rằng yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng thành lập chính phủ mới. Việc trì hoãn tiến trình này hoặc việc Đảng Vì nước Thái thất bại trong nỗ lực thành lập Chính phủ mới sẽ chỉ khiến tình hình đất nước rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
Theo các nhà phân tích, Đảng Vì nước Thái hoặc Đảng Tiến bước cuối cùng phải chấp nhận hy sinh hay thỏa hiệp để đưa đất nước tiến lên. Trong đó, Đảng Vì nước Thái có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận sự phản đối, quay lưng của một bộ phận cử tri để đứng ra thành lập chính phủ mới với sự tham gia của các chính đảng bảo thủ.
Sự phản đối của cử tri sẽ diễn ra trong ngắn hạn hay kéo dài đến tận cuộc bầu cử tiếp theo sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của công tác điều hành chính phủ cũng như các chính sách kinh tế, an sinh xã hội mà Đảng Vì nước Thái thúc đẩy thực hiện trong những năm tới.
Nếu các chính sách này mang lại khởi sắc cho nền kinh tế Thái Lan, tạo ra nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, phúc lợi xã hội cho người dân, thì việc cử tri tiếp tục ủng hộ Đảng Vì nước Thái như trong quá khứ là điều tất yếu.