Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bất động sản hạ nhiệt, nhà đầu tư bắt 'đáy'

(VTC News) -

Thị trường bất động sản hạ nhiệt, trong lúc nhiều nhà đầu tư tháo chạy, thì một bộ phận lại tranh thủ gom hàng chờ đợt sóng mới.

Dịch COVID-19 bùng phát cùng với sự "siết chặt" quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đã khiến đất tại nhiều khu vực bắt đầu "hạ nhiệt". Trong khi nhiều nhà đầu tư tháo chạy, thì có một bộ phận “bắt đáy” và tiếp tục đổ tiền vào bất động sản (BĐS) khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh chững lại.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (một nhà đầu tư tại Bắc Giang) chia sẻ, hồi đầu năm, khi thị trường bắt đầu nổi sóng, anh đã nhanh tay ôm gần chục lô đất tại 1 dự án ở Việt Yên (Bắc Giang). Chỉ hơn 1 tháng sau, anh đã tất tay cả 10 lô đất này và thu lời hơn 1 tỷ đồng. 

Giá thời điểm anh Hùng mua là 11 triệu đồng/m2, khi anh bán là 12,5 triệu đồng/m2. Trong khi giá gốc của các lô đất này chỉ 8 triệu đồng/m2. 

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ.

Anh Hùng cũng cho biết, giá đất tại dự án này hồi cuối tháng 3 lên tới 14 - 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi thị trường hạ nhiệt cùng với sự bùng phát của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư đã buộc phải cắt lỗ sâu, nhiều lô giảm về giá 11 triệu đồng, bằng mức giá anh mua hồi đầu năm.

"Tôi đang săn tìm những lô đất cắt lỗ sâu để ôm vào. Tôi có 1 cửa hàng ăn ở Hà Nội, nhưng kinh doanh mùa dịch ế ẩm, nên đã đóng cửa nửa năm nay. Tiền tiết kiệm để ngân hàng không được mấy, nên để vào những lô đất rẻ là bài toán đầu tư hiệu quả nhất", anh Hùng chia sẻ. 

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ sở kinh doanh thiết bị gia dụng ế ẩm, chị đã săn tìm những khách hàng giảm giá đất nền bán ra để mua vào. Một lô đất có diện tích 90m2 ngay gần một khu đô thị mới ở TP. Chí Linh (Hải Dương) hồi sốt đất rao bán 1,9 tỷ đồng, nhưng nay chỉ còn 1,5 tỷ, nên chị đã quyết định mua. Tương tự, đất khu vực đấu giá của thành phố trước đó có mức 1,25 tỷ đồng/lô, nay giảm còn 1,1 tỷ đồng/lô.

Anh Phạm Quang Hoá, chủ một nhà hàng kinh doanh dịch vụ ẩm thực lớn tại Hà Nội chia sẻ, dịch bệnh quay trở lại, khách khứa thưa thớt, doanh thu hàng ngày giảm 80%, trong khi tiền thuê nhà và nhân công vẫn phải trả đủ, nên anh dự định tạm thời trả lại mặt bằng. Hiện tại, anh cũng đang “săn lùng” những sản phẩm đất nền của các nhà đầu tư hạ giá hoặc cắt lỗ. Anh khoe vừa mua được 2 lô đất đấu giá tại Đông Anh giảm 200-300 triệu đồng/lô.

“Kinh doanh nhà hàng thời buổi khó khăn thì lại chuyển sang đất đai. Khi mọi người tháo chạy khỏi đất nền thì mình lại đổ tiền vào bắt đáy”, anh Hoá nói.

Một sàn giao dịch BĐS có tiếng ở Từ Sơn, Bắc Ninh cũng cho biết, hồi giữa tháng 4/2021, thanh khoản đất nền tại đây chững lại và giá giảm. Tuy nhiên, mấy ngày đầu tháng 5 lại bắt đầu có khách quay trở lại tìm mua đất, nhưng chủ yếu là gửi tìm những sản phẩm cắt lỗ sâu.

Nhận định về thị trường bất động sản sau cơn "sốt đất", giới chuyên gia cho rằng, đây là "thời điểm vàng" để mua vào bất động sản nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát khi đó bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn.

Theo các chuyên gia, bất động sản chưa trở lại với giá trị thực, bởi lẽ các nhà đầu tư tìm đến đất nền không phải để đầu tư phát triển, kinh doanh lâu dài, mà phần lớn là đầu cơ, môi giới không chuyên mua bán trao tay "lướt sóng" kiếm lời.

Vì thế, thời điểm này, thị trường chưa thật sự ổn định, vẫn còn dư âm của đợt sốt đất, giá trị thực của đất đã bị đẩy lên quá cao, nếu để trở lại với giá trị ban đầu thì cần thời gian và sự điều tiết của thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, qua “cơn sốt” vừa rồi, nhiều nhà đầu tư F0 đã phải trả giá cho việc đầu tư tràn lan, thiếu kiến thức về thị trường, mua phải đất đai không giấy tờ, “giá trên giời”, nên bị mắc cạn. Bởi vậy, không ít người trong số này sẽ rút khỏi thị trường.

Trên thị trường sẽ xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã “lướt” qua được cơn sóng giá đất để tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào BĐS. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào thị trường BĐS nhưng là ở phân khúc khu công nghiệp, do nhận định kinh tế vĩ mô hồi phục tốt, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh thành công.

Lãnh đạo một sàn giao dịch ở Hà Nội cũng cho biết, hiện những nhà đầu tư vốn mỏng, phải vay ngân hàng để đầu tư đã phải tháo chạy khỏi thị trường, thậm chí buộc phải cắt lỗ. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.

"Để cắt lỗ, bán tháo là chưa xảy ra bởi một chu kỳ đầu tư kinh doanh bất động sản thường sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ khi vượt ngưỡng thời gian trên, để thu hồi vốn đầu tư cũng như có nguồn chi trả lãi suất ngân hàng,… khi đó mới xuất hiện tình trạng bán đổ, bán tháo", vị lãnh đạo trên phân tích.

Ngọc Vy

Tin mới