Ghi dấu ấn trong chiến thắng của Barcelona trước Athletic Bilbao, nhưng Lionel Messi không thể vui. Cuối tuần qua, bản hợp đồng giữa anh và Barca, bằng một cách nào đó, được cả thế giới biết đến. Dòng số 555.237.619 in đậm trên trang nhất của El Mundo, một trong những nhật báo thể thao lớn nhất Tây Ban Nha. Đó là số tiền Barca phải chi trả cho Messi trong 5 năm qua.
Khoan bàn đến số tiền trên là lớn hay nhỏ, việc hợp đồng của Messi bị rò rỉ, chỉ ít ngày sau khi khoản nợ 1,2 tỷ euro của Barca bị phơi bày, một lần nữa cho thấy lãnh đạo CLB muốn đẩy hết tội lỗi cho ngôi sao lớn nhất, dù anh là người hùng ở sân Camp Nou trong gần 20 năm qua.
Messi bị rò rỉ thông tin hợp đồng trên báo.
Barca đánh tráo khái niệm
Tính trung bình, Messi nhận khoảng 132 triệu euro mỗi mùa giải trong 4 năm qua. Trong đó 115 triệu euro là lương cứng và 78 triệu euro là các khoản tiền thưởng. Ngoài ra còn có điều khoản gia hạn hợp đồng trị giá 115.225.000 euro và thêm 77.929.955 euro "phí trung thành" cho Lionel Messi.
Theo nguồn tin của El Mundo, Lionel Messi đã nhận được 511.540.545 euro tính đến thời điểm này, khi còn 5 tháng nữa là kết thúc hợp đồng với Barca. Giao kèo giữa đôi bên sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới.
Phản ứng của đôi bên đã ngầm khẳng định thông tin trên đúng hay sai. Theo báo giới Tây Ban Nha, Messi đang muốn kiện lãnh đạo CLB vì tiết lộ thông tin hợp đồng. Như vậy, con số gần nửa tỷ euro cho Messi gần như chính xác.
Barca trả cho Messi 555 triệu euro là thật, và cũng nợ 1,2 tỷ euro là thật. Nhưng hai sự thật đặt cạnh nhau, vẫn có thể tạo ra cảm giác... không thật. Giữa lúc Barca đang nợ đầm đìa, Messi nhận lương cao không khác gì khẳng định siêu sao này đang tạo áp lực lên ngân sách CLB.
Kể cả nhận lương cao, Messi vẫn không có lỗi.
Hoặc có thể nói, Barca nợ nần vì phải oằn lưng trả lương cho Messi, người có mức thu nhập cao vượt trội nhiều cầu thủ khác trong đội cộng lại. Thông tin El Mundo đưa ra, dễ tạo ra cảm giác "đánh tráo khái niệm" rõ ràng.
Thứ nhất, không thể đánh giá mức lương 555 triệu euro Messi trả cho Barca là cao hay thấp, bởi mức lương là thứ định lượng được, nhưng giá trị hình ảnh và đóng góp của cầu thủ người Argentina tạo ra ở sân Camp Nou là vô giá.
15 năm qua, Messi là ngôi sao số 1 của Barca. 503 bàn thắng của "El Pulga" chỉ tính riêng trong khuôn khổ LaLiga đã giúp Barca 15 lần vô địch quốc nội (LaLiga và Cúp Quốc gia), 4 lần chinh phục Champions League.
Từ thời kỳ rực rỡ của Pep Guardiola đến giai đoạn hoàng hôn cùng Ernesto Valverde, Quique Setien hay Ronald Koeman hiện tại, Messi luôn là cầu thủ sáng giá nhất.
Anh ghi bàn, kiến tạo, làm bóng, kết nối lối chơi, gồng gánh cả tập thể. Nên nhớ, dù Barca rời xa thời kỳ đỉnh cao trong sáu năm qua, nhưng mùa 2019/2020 mới là lần đầu tiên sau nhiều năm, đội bóng xứ Catalunya trắng tay.
Messi đã cống hiến cả sự nghiệp cho Barca. Để đánh giá số tiền Messi nhận được có quá lớn, phải đặt cạnh những cống hiến, đóng góp và tầm ảnh hưởng của anh ở sân Camp Nou.
Khi Messi gửi bức điện burofax yêu cầu được ra đi, cả Barca hỗn loạn. Chủ tịch Josep Bartomeu bị yêu cầu từ chức, CĐV Barca trên khắp Tây Ban Nha tuần hành, gây sức ép lên lãnh đạo Barca và cầu xin Messi ở lại. Liệu nhân vật thể thao nào khác tạo ra sức ảnh hưởng lớn như vậy, nếu không phải là Messi?
Không thể đong đếm sức ảnh hưởng của Messi.
Thứ hai, không thể coi Messi là "tội đồ" khiến Barca nợ nần, dù thông tin của El Mundo cùng tuyên bố "bán Messi để cắt giảm ngân sách" của chủ tịch tạm quyền Carles Tusquets đang tạo ra cảm giác đó.
Messi đã đơn độc "gánh" cả tập thể Barca trong nửa thập kỷ đã qua. Mỗi khi thông tin không hay từ lãnh đạo Barca được phát ra, những bàn thắng hay danh hiệu Messi đem về lại xoa dịu tất cả.
Việc đè nén áp lực lên ngôi sao số một, hay những tuyên bố lừa gạt Messi về chiến lược phát triển CLB của cựu chủ tịch Bartomeu chẳng khác nào hành động vong ân bội nghĩa.
Vì sao Barca thua lỗ?
Trong ngày Luis Suarez ghi 2 bàn thắng vào lưới Cadiz, trong đó có cú sút phạt đẹp mắt, để giúp Atletico Madrid nới rộng cách biệt với chính Barca lên 10 điểm, đâu đó ở Camp Nou đã phát ra tiếng thở dài.
Barca đã bán Arturo Vidal, Ivan Rakitic với giá rẻ như cho, nhưng không thể thảm hại bằng vụ chuyển nhượng Suarez sang Atletico Madrid với giá 6 triệu euro.
Chỉ bằng số tiền chưa bằng một năm lương của Gerard Pique, Barca đã để chân sút tốt nhất sang đội bóng kình địch. Kết quả là Atletico độc chiếm ngôi đầu bảng với 14 bàn của Suarez, còn Barca đang chênh vênh ở nhóm sau.
Hình ảnh bất lực của Philippe Coutinho, Antoine Griezmann, Ousmane Dembele hay Malcom trước đây đã nói lên chính sách chuyển nhượng thất bại của Barca. Họ để Neymar rời đi, nhưng chi tới 300 triệu euro mà không kiếm nổi một gương mặt thay thế được anh.
Coutinho không giúp Barca vơi nỗi nhớ Neymar.
Đội bóng của cựu chủ tịch Bartomeu chuyển nhượng kém cỏi, liên tục mua đắt, bán rẻ. Chất lượng đội hình ngày càng đi xuống, cộng thêm giọt nước tràn ly mang tên COVID-19, Barca nợ nần là điều hiển nhiên. Phải đặt ngược vấn đề rằng nếu không có Messi, Barca sẽ còn tồi tệ hơn nhiều về thành tích.
Không có Neymar, Suarez, Barca đã xuống cấp thế này, thiếu vắng tượng đài như Messi, đội bóng chủ sân Camp Nou sẽ đi về đâu?
"Nhiều ông chủ mắc sai lầm khi quản lý đội bóng, nhưng sai lầm tệ nhất là để CLB đánh mất bản sắc. Điều đó khiến Barca giảm lợi nhuận và giá trị thương mại. Họ đã lừa dối Messi và khiến Barca suy tàn. Cuộc khủng hoảng ở Barca lúc này rất sâu rộng, không chỉ là vấn đề kinh tế.
Những gì đang xảy ra ở Barca rất khó chấp nhận. Họ đã đánh mất tất cả, từ lối chơi đến hình ảnh. Không ai trong dàn lãnh đạo ở đó còn giữ được sự khiêm tốn. Họ sa thải Ernesto Valverde nhưng rồi lại đưa về Quique Setien.
Tệ hơn, họ biến Messi thành người giơ đầu chịu báng, một vật tế thần sau mỗi thất bại. Barca phải làm sạch bộ máy, từ trên xuống dưới. Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử CLB cần sự tôn trọng xứng đáng".
Những lý giải từ Ramon Caldere, cựu cầu thủ Barca, có lẽ đã tóm gọn bức tranh xám xịt ở Barca. Khi đội bóng xứ Catalunya còn trốn tránh vấn đề và thiếu tôn trọng với Messi, CĐV khó trông đợi điều gì khả quan hơn.