Video: Sạt lở núi kinh hoàng, cả trăm nhà dân Quảng Nam bị vùi lấp trong bùn đất
Sáng 28/10, bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên, với sức gió mạnh nhất cấp 12 (133 km/h), giật cấp 14. Cùng với bão Xangsan năm 2006, bão số 9 trở thành cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng vào khu vực miền Trung trong 20 năm qua.
Đây là cơn bão di chuyển rất nhanh, đổ bộ chỉ 2 ngày sau khi vào biển Đông (sáng 26/10 vào Biển Đông và sáng 28/10 đổ bộ vào đất liền). Thời gian duy trì gió mạnh kéo dài tới 6 giờ.
Lũ quét xảy ra trên địa bàn H.Phước Sơn (Quảng Nam) cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. (Ảnh: Mạnh Cường)
Gần 100 nghìn mái nhà bị cuốn phăng
Thống kê của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, đến 6h ngày 29/10, bão gây mưa lớn, gió giật khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ; 2.527 căn nhà bị đánh sập; 88.591 ngôi nhà, công trình tốc mái; nhiều người chết và mất tích.
Trước khi càn quét đất liền, bão số 9 gây gió to, sóng lớn, biển động dự dội trên Biển Đông, đánh chìm 9 tàu cá, trong đó có 2 tàu cá của ngư nhân dân Bình Định làm 26 người mất liên lạc từ 27/10.
Bão làm 1 cầu treo tại Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh ở mức trên BĐ3 từ 0,3-1,8m. Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên.
Mưa bão gây ngập lụt từ 1-2m tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã của các huyện, TP Quảng Ngãi ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu. Ngập lụt cũng gây chia cắt 2 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà và một số khu vực trũng thấp của Kon Tum.
Sạt lở khiến 7 người chết, 46 người mất tích
Chiều 28/10, một vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) khiến 45 người mất tích; 4 người may mắn thoát nạn.
Cùng ngày, một vụ sạt lở đất khác xảy ra lúc 15h30 ở thôn 1 (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) khiến 8 người bị vùi lấp. Tối cùng ngày, lực lượng chức năng tại chỗ tìm thấy 7 thi thể, còn một người mất tích.
Hai xã bị sạt lở cùng ở huyện miền núi Nam Trà My, cách nhau 45 km; giao thông khó khăn, địa hình phức tạp, chủ yếu là gò đồi xen với ruộng bậc thang.
Sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nhiều người ở Quảng Nam.
Cũng tại huyện Nam Trà My, lúc 13h30 ngày 28/10, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ (xã Trà Mai) khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp; 4 người dân gặp nạn trong vụ sạt lở này đã thoát ra được.
Sau khi vụ sạt lở ở Tăk Pỏ, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Tích cực tìm kiếm cứu nạn
Liên quan đến vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Quảng Nam, Thủ tướng ra công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp. Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan "tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp".
Ngay trong đêm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng. Phó Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát các ví trí nguy hiểm, tổ chức sơ tán dân; Thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phụ trách.
Về vụ tàu cá BĐ 96388TS với 12 lao động bị phá nước chìm và tàu cá BĐ 97469TS với 14 lao động bị phá nước chìm ở khu vực cách Đông Nha Trang (Khánh Hòa) 170 hải lý, thực hiện lệnh của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 28/10, Quân chủng Hải quân đã điều 3 tàu KN 467, KN 473, KN 490 xuất phát từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi tìm kiếm cứu nạn 26 ngư dân của 2 tàu trên.
Khoảng 21h và 24h ngày 28/10, các tàu đến hiện trường; sử dụng máy bay DHC- 6, số hiệu 772 bay phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chỉ thị mục tiêu cho các tàu mặt nước.