Hai cơn bão liên tiếp làm xáo trộn lịch trình của ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và đảng Cộng hòa Donald Trump. Cả bà Harris và ông Trump đều dành một phần thời gian gần đây để giải quyết các câu hỏi về nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 10/9. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), hai cơn bão trên giúp cử tri đánh giá về việc ứng cử viên nào sẽ ứng phó tốt hơn với các thảm họa thiên nhiên nguy hiểm, một vấn đề từng không được chú ý nhưng nay trở thành phần ngày càng thường xuyên của công việc lãnh đạo. Và chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ngày 5/11, các cơn bão đã làm gián đoạn cho công tác chuẩn bị bầu cử tại một số tiểu bang.
Phó Tổng thống Harris đang cố gắng tận dụng diễn biến này để thể hiện khả năng lãnh đạo. Bà xuất hiện cùng Tổng thống Joe Biden tại các cuộc họp báo và kêu gọi hợp tác lưỡng đảng. Nhu cầu cung cấp thêm tiền cho Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA), khiến các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện phải phối hợp với chính quyền của Tổng thống đảng Dân chủ.
Cựu Tổng thống Trump trong khi đó dùng thời điểm này để tấn công năng lực của chính quyền Tổng thống Biden. Ông Trump còn băn khoăn liệu chính quyền có đang từ chối hỗ trợ cho các khu vực của Đảng Cộng hòa hay không, mặc dù không có bằng chứng nào về cáo buộc này.
Về phần mình, Tổng thống Biden ngày 11/10 cho biết, riêng cơn bão Milton đã gây ra thiệt hại ước tính là 50 tỷ USD. Giáo sư Timothy Kneeland tại Đại học Nazareth (Mỹ) đánh giá: "Việc giải quyết các cuộc khủng hoảng liên tiếp sẽ khiến FEMA bị giám sát chặt chẽ hơn và do đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng chịu giám sát chặt chẽ trong những ngày trước cuộc bầu cử".
Ứng cử viên Trump và Harris đã đến Georgia và North Carolina để đánh giá thiệt hại do bão đồng thời cam kết hỗ trợ. Điều này khiến cả hai ứng cử viên hủy các sự kiện vận động tranh cử ở nơi khác.
Cả Georgia và North Carolina đều là bang chiến trường, làm tăng rủi ro. Các cơn bão cũng được đề cập trong sự kiện vận động tranh cử của các ứng cử viên.
Ngày 10/10, câu hỏi đầu tiên Phó Tổng thống Harris nhận được tại Las Vegas là từ một công nhân xây dựng. Anh này đồng thời là cử tri tại Tampa, Florida. Người công nhân hỏi về tin đồn chính quyền đã không hết sức mình hỗ trợ người dân sau bão Helene đồng thời băn khoăn liệu người bị ảnh hưởng bởi bão Milton có được tiếp cận viện trợ hay không.
Bà Harris đáp rằng: “Tôi không thể nhấn mạnh đủ hết về công việc mà chúng tôi đã làm suốt ngày đêm để đảm bảo rằng các nguồn lực của liên bang được phân phối, việc hợp tác với lãnh đạo tiểu bang và địa phương, để cung cấp cho mọi người sự cứu trợ mà họ cần ngay lập tức, cùng với cam kết giúp đỡ mọi người trong dài hạn”.
Cùng ngày, ứng cử viên Trump mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc ca ngợi thống đốc đảng Cộng hòa ở các tiểu bang bị ảnh hưởng bởi hai cơn bão đồng thời chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden và "phó tướng" Harris. Cựu Tổng thống Trump đánh giá về các trường hợp bị ảnh hưởng của bão Helene: "Họ đã để người dân ở đó phải chịu đau khổ một cách bất công”.
Thiệt hại tại Florida sau khi bão Milton di chuyển qua. (Nguồn: Reuters)
Hai cơn bão cũng đã làm xáo trộn quá trình bỏ phiếu ở một số nơi. Thống đốc North Carolina Roy Cooper vào tuần này đã ký ban hành một đạo luật giúp người dân ở 25 hạt bị ảnh hưởng có nhiều cách thức hơn để bỏ phiếu. Trong khi đó, Florida sẽ cho phép một số hạt linh hoạt hơn trong việc phân phối phiếu bầu qua thư và thay đổi địa điểm bỏ phiếu trực tiếp.
Giáo sư Candace Bright Hall-Wurst tại Đại học East Tennessee State nhận định rằng thiên tai ngày càng trở nên chính trị hóa, thường tập trung nhiều hơn vào các chính trị gia thay vì những người dân đang cần giúp đỡ. Bà Hall-Wurst nói: "Thảm họa bị chính trị hóa khi chúng có giá trị đối với ứng cử viên".
Theo AP, với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Harris đã trở thành một phần quan trọng trong công tác phản ứng với bão, một vai trò mà theo truyền thống không liên quan đến phó tổng thống trong các chính quyền trước đây.
Ngày 10/10, Phó Tổng thống Harris đã tham gia trực tuyến vào cuộc họp của Phòng Tình huống tại Nhà Trắng về siêu bão Milton khi bà đang ở Nevada để tham gia các hoạt động vận động tranh cử. Trước đó, vào ngày 9/10, bà đã gọi điện trực tiếp đến CNN để thảo luận về những nỗ lực của chính quyền.
Tại cuộc họp ngày 11/10 với Tổng thống Biden để thảo luận về các cơn bão, và Harris đã lặp lại một thông điệp có liên quan đến các chính sách vận động tranh cử của bà nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá.
Phó Tổng thống Harris cảnh cáo: “Bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào lợi dụng cuộc khủng hoảng này để tăng giá gian lận hoặc tăng giá đột ngột, dù là tại trạm xăng, sân bay hay quầy khách sạn, chúng tôi sẽ theo dõi và sẽ có hậu quả”.
Bão Milton đổ bộ vào Florida vào đêm 9/10 (giờ địa phương) và khiến hơn 3 triệu người không có điện. Nhưng Milton chưa đạt đến mức như Helene, khiến khoảng 230 người tử vong.
Giáo sư John Gasper tại Đại học Carnegie Mellon nhận định: "Những thảm họa này về cơ bản sẽ là bài kiểm tra tốt về khả năng lãnh đạo của các quan chức địa phương, tiểu bang và liên bang về cách họ phản ứng”.
Nhưng ông Gasper lưu ý rằng chính trường Mỹ đã trở nên quá phân cực và các vấn đề khác như nền kinh tế đang định hình cuộc bầu cử, do đó, tranh luận hiện đang tạo ra nhiều sức ép giữa ứng cử viên Trump và chính quyền Biden-Harris có thể không quan trọng lắm vào Ngày bầu cử. Ông nói: “Liệu nó có định hình cuộc bầu cử không? Có lẽ là không. Còn rất nhiều thứ khác ngoài kia".