Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bão Linda khiến 3.000 người chết và mất tích: Đêm kinh hoàng của 4 mẹ con góa phụ

Bão ập đến bất ngờ, chị Xiếu ôm ba con nhỏ xuống xuồng rồi đẩy các cháu vào những cánh đồng sâu trong đất liền nên bốn mẹ con mới có cơ hội sống sót.

Video: Nhìn lại thảm họa bão Linda 20 năm trước

 

Sáng đầu tháng 11, bầu trời ở cửa biển xã Khánh Hội ở huyện U Minh (Cà Mau) nhiều mây. Chính quyền địa phương tất bật dựng lều tránh mưa trước trụ sở UBND xã - nơi diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào tử nạn trong bão Linda cách nay 20 năm.

Trong khi đó, ngoài chợ, những người thoát chết sau thảm họa bão Linda râm ran câu chuyện, hồi tưởng những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong cuộc đời họ.

Nghe bão là sợ

Đang cùng con gái út bán cá ngoài chợ, chị Xiếu giục Trần Út Nhỏ chạy về nhà chuẩn bị che chắn, dù trời không mưa. Góa phụ 47 tuổi cũng lớn tiếng nói sang sạp thịt heo gần đó để báo tin bão cho cô con gái vừa lấy chồng. Tiếp theo là cuộc điện thoại của người mẹ cho con trai đang làm trong một công ty thủy sản ở Cần Thơ để dặn dò thanh niên 26 tuổi một số điều cần thiết khi mưa bão sắp đến.

"Nghe bão là sợ. Hai chục năm qua tôi vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh của cơn bão số 5 có tên Linda. Năm đó trời cũng không mưa và đứng gió như thế này nên không ai tin rằng có bão. Vậy mà đến chiều tối bão ập đến, cuốn sập hàng loạt căn nhà và nhấn chìm không biết bao nhiêu con người", chị Xiếu nói khi mắt ngấn lệ.

Vừa làm cá cho khách, góa phụ kể năm đó Út Nhỏ mới thôi nôi, con trai lớn lên 6 và đứa kế được 3 tuổi. Gia đình nghèo và bận bịu con nhỏ nên người vợ chỉ trông vào đồng lương của người chồng cùng tuổi làm nghề ngư phủ là anh Trần Văn Bông.

19h ngày 2/11/1997, chị Xiếu nhận được điện đàm của chồng từ chiếc máy đặt bên nhà chủ tàu ở cùng xóm. Lúc đó, anh Bông không ngớt cười nói, khoe với vợ rằng chuyến đánh bắt được nhiều mực, cá và vài giờ nữa tàu sẽ cặp bến.

Chị Xiếu bán cá ở chợ Khánh Hội. (Ảnh: Việt Tường)

"Vậy mà hai tiếng sau bão ập đến, tàu chở anh Bông với đứa em chồng của tôi đã chìm khi không kịp vào bờ. Đang khóc chồng thì căn nhà rung lên bần bật, tôi vội ôm ba đứa con xuống xuồng rồi nhảy xuống nước đẩy cho nhanh. Sau khi băng qua đám rừng, mẹ con tôi trốn bão chui nhủi trong những cánh đồng", chị bán cá trong chợ Khánh Hội nhớ lại.

Một ngày sau, chị Xiếu với hàng chục người đi tránh bão trở về nhà thì trước mắt họ là cảnh xơ xát với hàng trăm căn nhà sập. Chồng chết mất xác, góa phụ 27 tuổi lúc đó ôm ba đứa con vào lòng mà khóc rồi được người thân cho tá túc.

Để có tiền nuôi con, chị Xiếu làm thuê đủ thứ nghề. Đến khi có dư được một ít, chị ra cửa biển mua cá mang vào chợ bán. Có "đồng ra đồng vào", con trai lớn của chị đã học hết lớp 12 rồi vào trung cấp thủy sản. Em gái của thanh niên này học lớp 8 thì nghỉ để theo mẹ ra chợ và Út Nhỏ học hết 12, thi đậu đại học ngành du lịch nhưng cô gái không đi tiếp vì gia đình cạn tiền.

"Út Nhỏ ham học lắm nhưng nghèo nên mình chịu chú ơi. Sau khi anh Bông mất, tôi ở vậy nuôi con dù có nhiều người bảo đi thêm bước nữa. Ở vậy thờ chồng, lo cho con học hành nhưng còn nợ nên đứa út chưa đến nơi đến chốn", góa phụ chia sẻ.

Sợ biển và bám biển

Chính vì nghe nhắc đến bão là sợ nên chị Xiếu không cho con trai nối nghiệp anh Bông. Mỗi khi trời giông gió, góa phụ lại sợ thảm cảnh năm 1997 tràn về nên chị tìm đất cất nhà cách xa cửa biển Khánh Hội.

Cũng ám ảnh bão Linda, bà Trần Thị Lánh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Khánh Hội, không cho cháu ngoại là Nguyễn Bão Biển làm nghề ngư phủ. Hết lớp 6, Bão Biển nghỉ học và đòi "ra khơi" cùng hàng xóm nhưng người bà nhất quyết không cho.

20 năm trước bão đã cướp đi con rể nên bà Lánh không muốn Bão Biển có số phận như cha em. Bão Biển cho biết cậu lên Sài Gòn với mẹ nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa tìm được việc làm.

Cửa biển Khánh Hội sáng 2/11. 20 năm trước, nơi đây là nơi tang thương nhất ở Cà Mau. (Ảnh: Việt Tường)

Sợ bão biển là cảm giác chung của người dân từng hứng chịu bão Linda ở miền Tây. Tuy nhiên, nhiều người trở từ cõi chết sau cơn bão dữ vẫn trở lại đại dương vì đó là cái nghề nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình các ngư dân.

"Mỗi khi thấy biển động và có bão là chúng tôi lo lắng nhưng không đi biển thì vợ con lấy gì sống. Ngày trước tàu nhỏ, chỉ có la bàn nên khó tránh bão. Bây giờ tàu nào cũng có định vị, bão ở đâu thì anh em trên tàu cũng biết và tìm cách tránh né hiệu quả", anh Lư Minh Duyên (41 tuổi) ở ấp 3, xã Khánh Hội, nói.

Cũng thoát chết trong bão Linda, anh Lư Minh Đường (43 tuổi) sau đó tiếp tục ra khơi bám biển. Hiện, người đàn ông này là tài công của tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến trúng cá tôm anh Duyên được chủ tàu chia đến vài chục triệu đồng.

Còn ông Tư Vũ (57 tuổi) là cha của nạn nhân mất tích Nguyễn Văn Ruôl thì bỏ nghề đi biển một thời gian khi nhớ lại hình ảnh con trai chìm dần xuống đại dương. 20 năm trước, ông Vũ là tài công chở theo 8 thuyền viên thì có 3 người mất xác.

"Nghe bão là sợ nhưng mình quen nghề biển rồi nên có lúc anh em thiếu tài công thì nhờ, tôi vẫn đi", ông Vũ nói.

Trong lúc mọi người đang nhắc về ký ức kinh hoàng sau thảm họa 20 năm bão Linda thì hai người mẹ mất con ôm nhau khóc tại vựa thủy sản Quốc Lập. Trong khi bà Năm Lửa nhắc về con trai 17 tuổi chết không tìm thấy xác thì bà Nguyễn Thị Thoa (64 tuổi) lại khóc thương con trai duy nhất mất tích lúc Nguyễn Văn Toàn 19 tuổi.

"Ông chủ của con tôi có 3 chiếc tàu chở theo 42 người đều mất tích hết. Tàu chìm cũng không thấy xác. Hai chục năm qua ai thuê gì tôi làm nấy để kiếm tiền nuôi con gái mù lòa", bà Thoa nói trong nước mắt.

Hôm nay, 3/11, UBND tỉnh Cà Mau làm lễ tưởng niệm nan nhân bão Linda tại xã Khánh Hội. (Ảnh: Việt Tường)

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Huỳnh Hoàng Tương, 20 năm trước ngư dân Cà Mau chủ quan vì vùng đất này chưa biết đến bão bao giờ. Lúc đó, tàu cá của ngư dân cũng chưa được trang bị hiện đại như hiện nay nên việc định vị bão và hướng đi của nó để tàu thuyền tránh né là việc rất khó khăn.

"Lúc đó phương tiện truyền thông hạn chế, còn bây giờ chúng tôi thông báo bão là bà con cho tàu chạy vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn ngay", lãnh đạo UBND xã Khánh Hội chia sẻ.

Linda là cơn bão thảm khốc nhất ở miền Tây trong vòng 100 năm. Bão hình thành ngày 31/10/1997 trên Biển Đông, Linda mạnh dần lên vào một ngày sau đó khi di chuyển về phía Tây và tàn phá dữ dội vùng cực Nam Tổ quốc trong hai ngày sau đó. 

Bão có sức gió khoảng 100 km/h, khiến hơn 3.100 người miền Tây, các cùng phụ cận chết và mất tích. Linda đã khiến cho 200.000 ngôi nhà bị hư hại, tàn phá 325.000 ha ruộng, rẫy.

Nguồn: Zing News

Tin mới