Vấn đề được quan tâm tại Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 sáng nay là các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ban tổ chức đang lên các phương án để đảm bảo tổ chức đại hội an toàn, sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp mắc COVID-19 để không phải hủy thi đấu.
"Chúng tôi đưa ra rất nhiều kịch bản, học tập kinh nghiệm từ Olympic Tokyo 2020 và một số giải đấu như AFF Cup 2020. Sẽ có quy định rất cụ thể cho các đoàn trước khi sang Việt Nam, khi đến sân bay và trong quá trình dự đại hội", ông Trần Văn Mạnh, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến, trong trường hợp Việt Nam kiểm soát dịch tốt, ban tổ chức có thể lên phương án cho khán giả vào sân. Tuy nhiên, điều này chưa thể được khẳng định chắc chắn ở thời điểm hiện tại.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch COVID-19 bùng phát mạnh, SEA Games 31 sẽ được tổ chức trong điều kiện không có khán giả. Theo tình hình hiện tại, phương án khả dĩ nhất là cho phép khán giả đến địa điểm thi đấu với số lượng hạn chế.
SEA Games 31 dự kiến khai mạc vào tháng 5/2022.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết thêm kinh phí tổ chức đại hội thể thao Đông Nam Á được Chính phủ duyệt chi là 750 tỷ đồng, trong đó đã có 300 tỷ đồng được ứng trước.
"Về mặt kinh phí, do nguồn lực có giới hạn nên ban tổ chức phải rà soát để cắt giảm, làm sao tiết kiệm nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được những nhiệm vụ, công việc đề ra", bà Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.
Các công đoạn chuẩn bị cho SEA Games 31 đang được gấp rút hoàn thành. Dù vậy, ban tổ chức và các địa phương đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh thời gian không còn nhiều. Hiện tại, nhiều công trình phục vụ thi đấu vẫn đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp. Ban tổ chức đặt mục tiêu cố gắng hoàn thiện trong tháng 4.
Bên cạnh đó, việc mua sắm trang thiết bị tốn nhiều thời gian do phải đấu thầu để mua từ nước ngoài. Để không phải cắt bớt các nội dung thi đấu, ban tổ chức tính đến phương án thuê hoặc tận dụng trang thiết bị cũ còn đáp ứng được tiêu chuẩn.