"Bamboo Airways dự định khai trương những chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ từ đầu năm sau bằng một chiếc Airbus A380 đi thuê", ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC nói với Financial Times trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Theo ông Quyết, hãng bay này đã nộp đơn xin cấp phép lên các cơ quan quản lý hàng không Mỹ. Bamboo Airways sẽ bay đến Mỹ từ quý I/2020 nếu được cấp phép cuối năm nay. Hãng hàng không này dự kiến bay đến Los Angeles hoặc San Francisco nhưng chưa quyết định điểm khởi hành từ Hà Nội hay TP HCM.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Anh Tú.
Chia sẻ với VnExpress chiều 30/6, đại diện Bamboo Airways cho biết A380 có thể không phải lựa chọn duy nhất. Hãng cũng đang cân nhắc phương án thuê một vài dòng máy bay thân rộng khác cho kế hoạch mở đường bay tới Mỹ.
Các chuyến bay thẳng đến Mỹ có thể mất từ 14 hoặc 16 tiếng tuỳ vào điểm khởi hành. Do đó, kế hoạch sử dụng A380 để bay thẳng đến Mỹ với chặng bay dài của Bamboo khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Với sức chứa tối đa 853 hành khách, A380 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các hãng hàng lớn trên thế giới ít sử dụng dòng bay này để phục vụ các chặng bay trên 12 tiếng. Mới đây, Airbus đã thông báo dừng sản xuất A380 vì nhu cầu giảm.
Tuy nhiên, sử dụng A380 có thể là phương án tạm thời trước khi Bamboo Airways chờ nhà sản xuất Boeing giao những chiếc 787-9 Dreamliner đã đặt mua.
Không riêng Bamboo Airways, các hãng bay khác như Vietnam Airlines hay Vietjet Air cũng đang cân nhắc kế hoạch mở đường bay thẳng đến Mỹ. Về cơ bản, hàng không Việt đã đủ tiêu chuẩn mở đường bay này sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấp Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Tuy nhiên, các hãng vẫn phải được FAA và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thêm các điều kiện khác để bay thẳng đến Mỹ.
Là hãng bay "sinh sau đẻ muộn" so với Vietnam Airlines và Vietjet nhưng Bamboo đang thể hiện rất quyết tâm để nhanh chóng hiện thực tham vọng tới Mỹ. Ông Trịnh Văn Quyết cũng đã trình bày tham vọng mở đường bay thẳng đến Mỹ từ cuối năm nay hoặc đầu năm sau với các cổ đông FLC tại cuộc họp thường niên giữa tuần qua.
Hồi tháng 2, ngay sau kí hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787-9, ông Quyết tỏ ra rất tự tin vào kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ. Người đứng đầu tập đoàn FLC khẳng định, sẽ có lãi ngay nhờ nhu cầu của 2 triệu kiều bào, du học sinh Việt Nam đang sống và làm việc tại Mỹ.
Trong khi đó, Vietnam Airlines khá thận trọng. Lãnh đạo hãng từng nhận định đây không phải một đường bay tiềm năng về lợi nhuận, cần 5-10 năm mới có thể hoà vốn và bủ lỗ hàng chục triệu USD trong những năm đầu bay.
Một số chuyên gia phân tích hoài nghi về lịch trình ra mắt đường bay thẳng đến Mỹ và cơ hội cạnh tranh trên đường bay này của Bamboo Airways với các hãng hàng không lớn, dày kinh nghiệm hơn.
"Bamboo là một hãng bay rất mới, họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, hãng có thể mất nhiều thời gian để được FAA cấp phép", Brendan Sobie – chuyên gia phân tích tại CAPA nhận định trên Financial Times. Các chuyến bay thẳng cũng tốn chi phí hơn khi phải mang theo nhiều nguyên liệu.
Andrew Lobbenberg – người đứng đầu mảng nghiên cứu vận tải châu Âu tại HSBC nhận định, một hãng bay mới sẽ gặp nhiều khó khăn để có lãi trên đường bay dài với giá vé cao.
Trước đây giai đoạn năm 2004 - 2007, hai hãng Delta và United Airlines cũng mở đường bay thẳng từ Mỹ đến Việt Nam nhưng đã huỷ bỏ vì thua lỗ.
Theo ông Quyết chia sẻ tại ĐHCĐ gần đây, Bamboo hiện chưa có lãi sau gần nửa năm cất cánh. Lý do là hãng đang khai thác 10 máy bay nhưng phải trả chi phí vận hành nhân sự cho cả 30 chiếc để phục vụ kế hoạch nhận thêm máy bay sắp tới.
FLC có kế hoạch phát triển kinh doanh sang lĩnh vực điện gió và mặt trời, đồng thời mở một trường đại học để đào tạo tiếp viên, nhân viên cho các khu resort... Tuy nhiên, công ty lại chưa có kế hoạch IPO Bamboo Airways.