Đừng nghĩ Toán tiểu học lúc nào cũng dễ, chỉ xoay quanh các vấn đề cộng trừ nhân chia đơn giản. Có những bài toán nhìn tưởng đơn giản nhưng thực chất lại khá hack não, đòi hỏi học sinh phải đọc kỹ đề bài, nhìn vấn đề đa chiều hơn thì mới đưa ra được lời giải đúng. Chẳng hạn như câu chuyện của bố con anh Vương (Trung Quốc) dưới đây.
Con trai anh Vương đang học cấp 1. Mới đây, cậu bé được giao bài toán như sau: "Lấy 100 tệ đi mua một thứ có giá 35 tệ, thì được nhận lại bao nhiêu tiền thừa?". Cậu bé trả lời "100 - 35 = 65" nhưng bị cô gạch sai.
Anh Vương xem xong rất sốc, không hiểu con sai ở chỗ nào. Là người coi trọng điểm số, anh không thể chấp nhận chuyện con bị mất điểm vô lý như vậy nên đã nhắn tin hỏi luôn giáo viên. Cô giáo sau đó giải thích:
"Còn 3 tình huống khác mà em chưa nghĩ tới. Thứ nhất, nếu có hai tờ 50 NDT, thì ta chỉ cần lấy một tờ 50 NDT ra trả tiền và nhận về 15 NDT tiền thừa. Nếu có năm tờ 20 NDT thì lấy hai tờ 20 NDT để mua đồ và nhận lại 5 NDT tiền thừa. Nếu có một tờ 50 NDT, một tờ 20 NDT, hai tờ 10 NDT và hai tờ 5 NDT, thì chỉ cần lấy một tờ 20 NDT, một tờ 10 NDT và một tờ 5 NDT để trả tiền. Trường hợp này không cần lấy lại tiền thừa".
Sau khi nghe cô giáo giải thích, anh Vương không nói nên lời. "Đây là bài toán hay đánh đố các cháu học sinh vậy?", anh Vương bức xúc. Theo phụ huynh này, phương pháp giải quyết vấn đề của giáo viên đang gây tranh cãi. Bởi tiêu đề chỉ ghi dùng 100 NDT để mua đồ, không hề có dữ liệu về việc phân loại tiền.
Với học sinh tiểu học, còn đang tập tính toán mà lại ra đề bài ẩn, theo anh Vương là vô lý. Hiện tại, bài toán này vẫn đang khiến các bậc phụ huynh tranh luận xôn xao.