Đang trên chuyến bay từ Hà Nội sang Paris (Pháp) công tác, giáo sư Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) chứng kiến người đàn ông 57 tuổi, quốc tịch Úc khó thở và gục xuống ghế ngồi.
Tổ bay thông báo có hành khách cần cấp cứu. Giáo sư Thành và một số bác sĩ đi cùng đã tới vị trí hành khách theo hướng dẫn của tiếp viên. Khi đó, nam hành khách này gục xuống, khó thở, bắt mạch thấy mạch loạn. Trên chuyến bay không có phương tiện cấp cứu và chẩn đoán. Các bác sĩ cho người bệnh thở oxy và nằm yên theo dõi.
Khoảng 1h sau cất cánh, máy bay quay lại sân bay Nội Bài, người đàn ông được chuyển tới Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu. Đoàn công tác của giáo sư Thành tiếp tục chuyến bay sang Pháp.
Theo thông tin từ Bệnh viện E, nam hành khách không bị nhồi máu cơ tim mà là uống thuốc quá liều. Bệnh nhân được cấp cứu và ra viện an toàn.
Theo giáo sư Thành, gần 40 năm công tác trong ngành y và đã đi nhiều chuyến bay nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp ca bệnh cần cấp cứu khẩn cấp trên máy bay. Các đơn vị đào tạo tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu y tế cho các trường hợp khẩn cấp nên trang bị thêm việc lựa chọn cơ sở cấp cứu ban đầu để người bệnh được cấp cứu hiệu quả nhất trong các tình huống khẩn cấp, vị chuyên gia nói thêm.
Trước đó, trong chuyến bay khởi hành từ Hà Nội tới Delhi (Ấn Độ), Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã tham gia cấp cứu một bệnh nhân bị khó thở, tăng nhịp tim khi máy bay vừa cất cánh được 30 phút.
Khi nghe thông báo của tiếp viên trưởng về có trường hợp cần cấp cứu, bác sĩ xuống vị trí của hành khách nữ này. Người chồng liên tục đòi hạ cánh khẩn cấp. Còn người vợ khó thở, nhịp tim nhanh bất thường phải thở oxy.
Bác sĩ Dũng lấy dụng cụ đo huyết áp, nhịp tim cho nữ hành khách. Kết quả, huyết áp bình thường, nhịp tim tăng nhanh trên 120 lần/phút. Bác sĩ Dũng quyết định cho bệnh nhân uống thuốc trợ tim. Tuy nhiên, để giảm tình trạng lo lắng, người bệnh cần uống thuốc an thần. Tổ bay không có thuốc này. PGS Dũng nhanh chóng lấy từ hành lý của mình loại thuốc này cho bệnh nhân uống.
Sau 1 tiếng, bệnh nhân đã ổn định, nhịp tim giảm. Vợ chồng hành khách không còn lo lắng như ban đầu. Chuyến bay kéo dài hơn 4 tiếng kết thúc an toàn.