BS Lê Thị Hiếu - Khoa Khám tự nguyện I, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Mọi người đều có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nhiều trường hợp biểu hiện giống cúm nhẹ, một số trường hợp biểu hiện nặng.
Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến suy tuần hoàn do giảm thể tích, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng và có thể tử vong. Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
Ba giai đoạn sốt xuất huyết ở bà bầu
Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Mẹ bầu có thể chảy máu dưới da, chân răng, chảy máu cam, mệt mỏi.
Giai đoạn nguy hiểm: Thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Giai đoạn này người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt Đây được cho là giai đoạn nguy hiểm vì các biến chứng xảy ra ở giai đoạn này.
Bác sĩ Hiếu lưu ý người bệnh cẩn thận, mẹ bầu nên nhập viện ngay nếu các biểu hiện như vật vã hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kẹt, tiểu ít, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, ra máu âm đạo bất thường). Lúc này các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Máu cô đặc, tiểu cầu giảm, men gan tăng.
Bà bầu mắc sốt xuất huyết trước đó điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Giai đoạn hồi phục: Sau 1 đến 2 ngày của giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định, tiểu nhiều.
Triệu chứng phải nhập viện
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng phải nhập viện điều trị tích cực khi có các triệu chứng:
- Bệnh nhân sốc: vật vã, li bì, lạnh đầu chi, da ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kẹt.
- Xuất huyết nặng: chảy máu cam, chảy máu tiêu hoá, chảy máu âm đạo...suy tạng.
- Ngoài các dấu hiệu trên phụ nữ có thai phải lưu ý thêm các dấu hiệu: Thai ít máy, ra máu âm đạo, đau bụng cơn và bụng co cứng liên tục, đau dữ đội có thể triệu chứng của suy thai, rau bong non, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân.
Không có bằng chứng khoa học có sự truyền virus Dengue từ mẹ sang con khi còn trong bào thai. Trong lúc chuyển chuyển dạ mẹ bị sốt xuất huyết Dengue có thể em bé sẽ bị sốt một, hai tuần tuổi, rất khó khăn để điều trị.
Điều trị sốt xuất huyết cho bà bầu
Theo BS Hiếu, hiện không có vaccine dự phòng sốt xuất huyết Dengue cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bà bầu mắc bệnh cũng chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Nếu sốt cao trên 39 độ, người bệnh nên uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo, chườm mát. Còn sốt trên 39 độ, người bệnh có thể uống nhiều nước, sữa, nước hoa quả và chườm mát. Thuốc hạ sốt Paracetamol có thể dùng cho phụ nữ có thai.
Điều trị sốt xuất huyết dengue vừa và nặng phải được điều trị ở bệnh viện chuyên khoa lây hoặc khoa hồi sức kết hợp với sản khoa. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch và truyền máu hoặc với các chế phẩm của máu, chống sốc.
Khi bị sốt xuất huyết, bác sĩ Hiếu khuyến cáo bà bầu tuyệt đối thông tự truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Không dùng các thuốc hạ sốt khác không phải paracetamol (nếu dùng hỏi bác sĩ). Mẹ bầu cũng cần theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây, có sự kết hợp chuyên môn của bác sĩ sản khoa. Sốt xuất huyết khi chuyển dạ là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ băng huyết sau sinh và có thể tử vong.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, mẹ bầu cẩn thận tránh muỗi đốt, mặc quần áo dài tay, ngủ có màn, tấm che cửa sổ ngăn muỗi, sử dụng thuốc chống muỗi cắn. Mẹ bầu cần chú ý vệ sinh nhà cửa, phun thuốc muỗi định kỳ, tránh để nước đọng trong và xunh quanh nhà như các chum vại, lọ nước không nắp… Chị em mang bầu tránh đến các vùng có dịch để phòng bệnh.