Bệnh nhi T.M.T (4 tuổi), từ TP.HCM ra Hà Nội được hơn 1 ngày thì xuất hiện các triệu chứng: sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau họng. Gia đình tự điều trị kháng sinh ở nhà cho bé 3 ngày nhưng không hết sốt. Sau đó, T. còn bị đau bụng, được bố mẹ đưa đi khám ở phòng khám tư.
Kết quả xét nghiệm tế bào máu, bạch cầu và tiểu cầu giảm, gia đình đưa bé đến Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi mắc sốt xuất huyết và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện bệnh nhi này đã qua giai đoạn nặng của bệnh. Bệnh nhân chỉ còn chướng bụng nhẹ, xuất huyết 2 bên đùi, không chảy máu. Sức khỏe của bé khá ổn định, tiểu cầu tăng dần và dự kiến sắp được xuất viện.
Một bệnh nhi khác là T.T.B.N (7 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định). Bệnh nhân trở về từ Bình Dương hồi cuối tháng 6. Khoảng 4 ngày sau đó, bệnh nhi bắt đầu sốt, đau đầu, đau mỏi người. Đến ngày phát bệnh thứ 3, cháu bé sốt cao, xung huyết ra mắt, và được làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết dengue. Sau đó, gia đình đưa trẻ nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Tiến sĩ TS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, với bệnh nhi này khi nhập viện tại Khoa Nhi đã có những triệu chứng rất rõ của sốt xuất huyết, có các dấu hiệu báo động bệnh có nguy cơ chuyển nặng, cụ thể đau bụng vùng gan, đau nhiều, gan to 4 cm dưới bờ sườn, ấn thấy đau, có chảy máu mũi, xuất huyết niêm mạc, tiểu cầu giảm nhanh.
“Hiện, tiểu cầu của bệnh nhi này đang có dấu hiệu lên dần. May mắn là bệnh nhân đã được phát hiện kịp thời, nên khi nhập viện dù có dấu hiệu cảnh báo nhưng bệnh nhân được được điều trị đúng cách, đúng phác đồ, đầy đủ thuốc, chế phẩm máu, tiểu cầu hỗ trợ nên đã qua cơn nguy kịch” - BS Thúy cho biết.
TS Đặng Thị Thúy cho biết, thực tế với cộng đồng, sốt virus, sốt xuất huyết dengue và nhiễm các loại virus khác rất khó phân biệt, vì trẻ đều có sốt cao đột ngột 39-40 độ, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như đâu đầu, đau mỏi người, kém ăn.
Trong sốt xuất huyết còn có đặc thù là đau hốc mắt, da mắt xuất huyết, ngoài ra có thể có phát ban, ban đỏ. Trong 3 ngày đầu có thể có các chấm xuất huyết trên da, nhưng thường ít hơn nên các cha mẹ dễ bỏ qua.
“Khi con bị ốm, sốt cao 1-2 ngày, có các dấu hiệu như trên thì gia đình nên đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế gần nhất”- BS Thúy cho biết
Chăm sóc trẻ sốt huyết thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết cũng là do virus gây nên nhưng không phải trẻ nào cũng phải nhập viện điều trị. Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế uy tín trước tiên để chẩn đoán nguyên nhân, sau là để chẩn đoán mức độ bệnh.
Với những trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đơn thuần, không cần điều trị tại viện, trẻ có thể được bác sĩ kê đơn thuốc ngoại trú và chăm sóc tại nhà.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BS Thúy cũng lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Đầu tiên là điều trị giống các sốt virus khác, cho các bé nằm nghỉ ngơi tại nhà; Đồng thời theo dõi nhiệt độ để dùng hạ sốt cho phù hợp. Cha mẹ có thể dùng loại hạ sốt paracetamol hay các chế phẩm là hapacol hay efferagan.
Bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý riêng với sốt xuất huyết dengue thì tuyệt đối không dùng ibuprofen. Vì chế phẩm hạ số này có nguy cơ làm tăng xuất huyết trong bệnh sốt xuất huyết dengue.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nhiều nước, oresol, bổ sung các thức ăn nhiều nước như cháo, nước dừa, nước trắng, sữa.
Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu nặng như: mệt mỏi, li bì, kích thích vật vã, khó chịu, nôn nhiều, đau bụng, đau phần gan bên phải, đau có xu hướng liên tục và và tăng lên, cha mẹ cần đưa con đến khám lại hoặc nhập viện ngay.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi trở về từ vùng dịch, có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu...