Trả lời truyền thông Australia, người phụ nữ này cáo buộc thủ phạm là một người làm việc cho đảng Tự do của Thủ tướng Morrison. Vụ việc xảy ra ngay tại tòa nhà quốc hội, trong văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds vào tháng 3/2019.
Tuyên bố của cựu nhân viên chính phủ về việc bị cưỡng hiếp trong quốc hội đã gây ra làn sóng chấn động tại trụ sở văn phòng quyền lực của nước này hôm 15/2, với việc đảng cầm quyền hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ vì cách xử lý bê bối.
"Đáng lẽ điều này không được phép xảy ra"
Nạn nhân cho biết đã trình báo vụ việc cho cảnh sát vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, cô quyết định không gửi đơn khiếu nại chính thức vì lo ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp. Cảnh sát Canberra cũng xác nhận đã trao đổi với người tố cáo nhưng cô từ chối gửi khiếu nại chính thức, theo Reuters.
New York Times tiết lộ người tố cáo là Brittany Higgins, 26 tuổi. Cô bị cưỡng hiếp sau một đêm uống rượu cùng đồng nghiệp. Higgins quyết định công khai vụ việc trong một bài phỏng vấn với trang tin news.com.au được đăng tải vào ngày 15/2.
Vụ tấn công xảy ra khi Higgins mới làm việc được vài tuần cho văn phòng Bộ trưởng Linda Reynolds, với vị trí cố vấn truyền thông.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 16/2 xin lỗi người phụ nữ đã lên tiếng khẳng định cô bị đồng nghiệp cưỡng hiếp tại quốc hội, và cam kết sẽ điều tra vụ việc.
Nạn nhân khẳng định đã thông báo cho nhân sự cấp cao của Bộ trưởng Renoylds về vụ việc. Higgins sau đó được yêu cầu dự một buổi làm việc trong chính văn phòng mà vụ tấn công xảy ra. Cô chưa công khai danh tính người bị cáo buộc cưỡng hiếp và chỉ tiết lộ nghi phạm vào thời điểm được được xem là "ngôi sao đang lên" của đảng Tự do.
Bộ trưởng Reynolds cũng xác nhận đã nhận được khiếu nại về vụ cưỡng hiếp vào năm 2020. Bà phủ nhận giả thuyết nạn nhân bị gây áp lực để không nộp đơn tố cáo cho cảnh sát.
Ngày 16/2, Thủ tướng Morrison phải công khai xin lỗi về vụ việc vì có liên quan đến chính phủ và đảng của mình. Ông đồng thời cam kết sẽ điều tra vụ việc, cũng như văn hóa làm việc tại các cơ quan công quyền.
"Đáng lẽ điều này không được phép xảy ra. Tôi chân thành xin lỗi. Tôi muốn đảm bảo rằng mọi người phụ nữ làm việc tại nơi này đều được an toàn", ông trả lời truyền thông Australia.
Môi trường làm việc độc hại với phụ nữ
Trả lời trên news.com.au, Higgins nói người tấn công cô đã đề nghị đưa cô về nhà sau buổi tiệc. Cô đã uống rất nhiều vào đêm đó. Khi đang trên đường về nhà, nghi phạm bất ngờ yêu cầu tài xế taxi chuyển hướng đến tòa nhà quốc hội Australia.
Higgins nói cô bị ngủ gục trên ghế sofa sau khi được đưa vào văn phòng làm việc. Cô giật mình tỉnh giấc giữa lúc người đồng nghiệp đang giở trò đồi bại. Higgins có yêu cầu người này dừng lại nhưng anh ta không thèm nhìn cô và tiếp tục cưỡng hiếp.
Trong phần phỏng vấn, Higgins cho biết cô đã sớm thông báo cho Bộ trưởng Reynolds cùng hơn 10 người khác, bao gồm các nhân sự trong quốc hội Australia, trong những ngày sau vụ tấn công. Dù đã trình báo cảnh sát vào tháng 4/2019, Higgins lại dừng quy trình tố cáo chính thức với lý do "yêu cầu hiện tại của nơi làm việc", theo hồ sơ vụ án mà New York Times tiếp cận được.
Trả lời New York Times, Higgins khẳng định cô chọn không chính thức tố cáo vào thời điểm đó vì những áp lực ngay trong đảng Tự do. Cô cảm thấy bản phân bị đặt vào tình huống phải chọn giữ công việc và báo cảnh sát.
Brittany Higgins chụp ảnh bên ngoài tòa nhà quốc hội Australia tại thủ đô Canberra vào năm 2018. Ảnh: New York Times.
"Họ cố tình khiến tôi cảm thấy mình sẽ mất việc nên tôi không thể hợp tác với cảnh sát. Họ tìm cách buộc tôi im lặng", cô viết.
Higgins bổ sung rằng môi trường làm việc của cô thường xuyên xảy ra tình trạng nạn nhân bị đổ lỗi mỗi khi lên tiếng về những kiểu hành xử thiếu chuẩn mực với phụ nữ.
"Điều đó thật sai trái. Điều đó thật kinh tởm và không xem người khác ra gì", cô chia sẻ.
Văn phòng chính phủ Australia gọi những cáo buộc mà Higgins vừa công bố là "gây đau lòng sâu sắc". Trong thông cáo báo chí ngày 15/2, chính phủ Australia khẳng định họ "rất lấy làm tiếc nếu cô Higgins cảm thấy bản thân không được ủng hộ". Tuy nhiên, chính phủ Australia vẫn cam kết Bộ trưởng Reynolds đã động viên Higgins trình báo với cảnh sát "để đánh giá những phương án khả thi".
Higgins chia sẻ rằng vụ cưỡng hiếp đã gây tổn thương rất lớn về mặt tinh thần với cá nhân cô. Cô chỉ quyết định lên tiếng sau khi Tập đoàn Phát thanh truyền hình Australia (ABC) công khai một điều tra về vấn nạn quấy rối tình dục trong đảng Tự do. Cô cũng quyết định bỏ việc sau khi công khai tố cáo vụ việc.
Nghi án cưỡng hiếp được công bố giữa giai đoạn đảng Tự do của ông Morrison liên tiếp vấp phải nhiều cáo buộc về tình trạng đối xử thiếu chuẩn mực với phụ nữ.
Năm 2019, nhiều nữ nghị sĩ từng chia sẻ họ cảm thấy bị chèn ép khi ủng hộ chiến dịch buộc Thủ tướng Malcolm Turnbull từ chức. Một cựu nhân sự đảng Tự do vào năm 2020 cũng cáo buộc cựu Bộ trưởng Di trú Alan Tudge có hành vi thiếu chuẩn mực với bà. Ông Tudge đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ nhấn mạnh vụ việc là ví dụ nghiêm trọng của văn hóa kỳ thị nữ giới đang ăn sâu bám rễ trong chính trường Australia. Áp lực từ tình trạng phân biệt đối xử đã đẩy nhiều phụ nữ khỏi văn chính phủ liên minh của công Morrison.
Theo số liệu gần nhất từ Cục Thống kê Australia, cứ 6 phụ nữ trên 15 tuổi ở nước này thì có một người từng là nạn nhân của bạo lực tình dục. Con số đó đã tăng lên trong thập kỷ qua, dù không rõ đó là do các vụ bạo hành đang gia tăng hay do tỷ lệ các vụ bạo hành được báo cáo nhiều hơn.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng số phụ nữ bị tấn công đến trình báo cảnh sát đang ở mức rất thấp. Nạn nhân muốn trình báo thường phải đối mặt với một quy trình đầy mệt mỏi, với những rào cản từ tòa án và luật về quyền riêng tư đang bóp nghẹt tiếng nói của những người đang cần được lắng nghe nhất, theo các nhà hoạt động nữ quyền.