Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền ở Hà Nội bị phá dỡ để xây cao ốc

(VTC News) -

Toà nhà mang phong cách Pháp độc đáo (61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) đang được phá bỏ để nhường lại khu "đất vàng" cho dự án xây dựng công trình cao 11 tầng.

Những ngày qua, công trình nhà máy cũ được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX đang được dựng giàn giáo xung quanh để phá dỡ.

Công trình nằm trên khu "đất vàng" có diện tích hơn 9.000 m2 với 4 mặt tiền: phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học. 

Dãy nhà nằm đối diện với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên kia đường Trần Phú, cách quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).

Các hạng mục còn lại của công trình cũ đang được công nhân gấp rút phá dỡ.

Sau khi phá bỏ, khu "đất vàng" hơn 9.000 m2 sẽ được khởi công xây dựng công trình đa chức năng thương mại cao 11 tầng nổi, một tầng tum (chiều cao tối đa 42,9 m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329 m2.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.

Các tòa nhà bên trong vốn là nhà máy có kiến trúc độc đáo đầu thế kỷ XX, mang phong cách Pháp.

Nói về việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, đây là dự án được TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch và xin ý kiến Bộ Xây dựng, quận không được biết nên cũng không chỉ đạo phường lấy ý kiến cộng đồng dân cư về cao ốc này.

Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19/5/1967.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu.

Đây là một công trình đã gắn liền với nhiều người dân tại Hà Nội. Việc công trình kiến trúc Pháp cổ này bị dỡ bỏ đã khiến nhiều người dân không khỏi tiếc nuối.

Đắc Huy

Tin mới