Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Phu bốc vác chợ đầu mối Long Biên kẹt giữa Thủ đô, dìu nhau qua mùa dịch

(VTC News) -

COVID-19 ập tới, hơn 10 người làm nghề bốc vác, kéo xe ở chợ đầu mối Long Biên lâm cảnh thất nghiệp, "mắc kẹt" ở xóm trọ ven sông phố Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội).

Ở phố Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội có một xóm trọ xập xệ, được xây tạm bợ, mái lợp bằng những tấm tôn. Người thuê nhà ở đây đa phần là những lao động nghèo. Điều kiện không cho phép nên họ phải thuê tạm những căn nhà tồi tàn để có chỗ ở, thuận tiện cho việc bươn chải, mưu sinh.

Trên khu đất hẹp có khoảng 20 gian nhà được xây tạm bợ. Gọi là nhà nhưng thực tế những phòng trọ nơi đây chỉ rộng vỏn vẹn 7- 8 m2. Tất cả người thuê nhà ở đây đều làm nghề bốc vác, kéo xe hàng ở chợ đầu mối Long Biên. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số người đã về quê, xóm trọ chỉ còn hơn 10 người ở lại. Thu nhập vốn đã bấp bênh, khi "bão" dịch ập đến họ còn phải chịu cảnh mất việc, "mắc kẹt" ở Thủ đô do lệnh giãn cách xã hội. 

Thời tiết Hà Nội mấy ngày qua rất khắc nghiệt, phòng trọ lợp bằng mái tôn, xung quanh là tường gạch nóng bức nên những người đàn ông chỉ còn cách cởi trần cả ngày. 

Hàng xe đẩy nằm đắp chiếu do lâu ngày không được sử dụng.

Mọi không gian ở đây đều được người dân tận dụng triệt để. 

Những bức tường chỉ cao quá đầu người, gạch để xây thì viên nhỏ viên to, xi măng trát tạm, nhếch nhác... Những căn phòng chỉ đủ để kê chiếc giường nhỏ, vài vật dụng sinh hoạt đơn giản. Mỗi tháng, người lao động nghèo ở xóm trọ ven sông này phải trả từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng tiền phòng trọ (chưa kể chi phí điện, nước sinh hoạt).

Sau khi đọc được thông tin Hà Nội tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày, anh Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, quê ở Hưng Yên) thở dài: "Giãn cách nên không có việc gì làm, lại phải quanh quẩn trong cái gác trọ chật hẹp, ảm đạm. Giờ chỉ mong "cơn bão" dịch bệnh mau qua đi, chứ người lao động nghèo như chúng tôi khốn khổ lắm rồi".

“Trước kia, đi làm tuy vất vả phải dậy sớm ra chợ gánh hàng, bốc vác nhưng còn có đồng ra đồng vào. Đợt này, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nên chợ đóng cửa, chúng tôi cũng vì thế mà trở thành những người thất nghiệp. Không có thu nhập như trước nên mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày tôi đều phải cắt giảm, bữa rau, bữa cháo cho qua cái thời kì khó khăn này thôi", bà Trần Thị Nhàn (55 tuổi, quê Hà Nam) chia sẻ.

 Công việc của những người lao động nghèo ở đây chủ yếu là bốc vác, gánh hàng thuê cho những tiểu thương chợ Long Biên. "Công việc tự do nên làm nhiều thì được nhiều, làm ít thì được ít. Dịch bệnh người ta đóng cửa thì đồng nghĩa mình cũng không có thu nhập. Trước kia, mỗi xe hàng kéo nặng tôi được trả công từ 50.000 - 100.000 đồng. Một tháng, nếu muốn đủ tiền sinh hoạt và gửi về quê cho vợ con, thì phải làm từ sớm tới khuya, hầu như một ngày chỉ ngủ vài tiếng", anh Trần Văn Dũng (48 tuổi, quê Hưng yên) cho biết.

11 giờ trưa, chiếc bếp ga mini của những công nhân gánh hàng thuê tại chợ đầu mối Long Biên bắt đầu đỏ lửa. Không giống như những ngày đi làm vất vả trước đây, họ chuẩn bị bữa trưa từ khá sớm. Dịch giã khó khăn, thu nhập giảm xuống, do đó bữa trưa của họ cũng chỉ là vài món canh rau.

Anh Trần Văn Dũng vừa nấu cơm trưa vừa chia sẻ: "Cuộc sống mưu sinh xa quê, xa vợ con nó tủi thân lắm. Nhiều lúc nhớ con chỉ muốn lao ngay về nhà trong đêm. Giờ mắc kẹt ở đây, ngày nào cũng đi ra đi vào rồi nhìn bốn bức tường; gạo, thức ăn thì không có, chỉ biết giấu những giọt nước mắt vào sâu bên trong. Trước còn đi làm, có tiền gửi về nuôi hai đứa con, nhưng hơn một tháng nay dịch bệnh chuyển biến xấu, tôi phải nghỉ việc, khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn".

Gian bếp đơn sơ, thiếu thốn mọi bề của anh Nguyễn Văn Minh.

Những lao động nghèo ở đây không được thông tin về điểm phát gạo, lương thực miễn phí, tất cả họ chỉ biết đùm bọc lẫn nhau bước qua mùa dịch.

 Bà Tạ Thị Nhà (sinh năm 1953, chủ dãy nhà trọ ven sông ở phố Phúc Xá) cho biết: "Cuộc sống sinh hoạt, ăn uống trước đây của họ đã khó khăn, giờ còn khó khăn gấp nhiều lần. Thương lắm nên tôi hỗ trợ cho họ ít tiền trọ gọi là đỡ đần cho qua mùa dịch bệnh. Có hôm đi chợ tôi cũng mua ít gạo, ít rau củ, mắm muối cho anh em ở đây, lá rách ít đùm lá rách nhiều ấy mà".

 Bữa cơm đạm bạc của những người lao động xóm trọ ven sông chỉ có ít dưa nấu canh, cà rốt xào ăn với cơm cho qua bữa.

Anh Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, quê Hưng Yên) đang ngồi trước cửa phòng trọ thì nhận được cuộc điện thoại từ người thân. Loa điện thoại của anh liên tục những tiếng hỏi thăm, lo lắng về tình hình dịch COVID-19 và các chốt kiểm soát dịch ở Hà Nội. Gia đình 5 người ở quê đều mong mỏi từng ngày được thấy hình bóng của người cha, người chồng. Lên Hà Nội tính đến nay là 12 năm nhưng đây là lần đầu tiên anh có cảm giác xa người thân của mình đến vậy. Một trải nghiệm giãn cách xã hội vừa buồn, vừa bất an, vừa cơ cực. Đợt giãn cách xã hội hội thứ 2 này, mặc dù anh đã xin được giấy đi đường, cùng với đó là kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ, tuy nhiên lại không có xe máy để về với gia đình. “Giờ tôi chỉ mong mượn được cái xe máy để về nhà. Ở quê, vợ con cần tôi lắm mà ở trên này thì có làm gì đâu", anh nói.

Bà Trần Thị Nhàn (55 tuổi, quê Hà Nam) cho biết: "Xung quanh đây toàn những dãy nhà trọ dành cho người lao động nghèo như chúng tôi, nhưng riêng cái khu này là chưa được phát gạo hay nhu yếu phẩm gì cả. Thực sự, những người lao động như chúng tôi đang lao đao từng ngày vì cơn bão dịch bệnh. Rất mong chính quyền, những nhà hảo tâm nếu được hãy để ý đến chúng tôi".

Dịch COVID-19 khiến cuộc sống của nhiều người lao động vốn đã khó khăn nay càng cơ cực gấp bội phần. Họ chỉ mong cho dịch bệnh mau chóng qua đi để tiếp tục được đi làm, có thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình.

Đắc Huy

Tin mới