Mấy ngày này, xóm chạy thận ở Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội vắng vẻ do giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19. Trước đây, cứ chiều chiều, con ngõ nhỏ rôm rả người ra vào, trò chuyện. Nhưng nay chỉ ai có việc cần thiết mới ra ngoài, còn lại đều quanh quẩn trong căn nhà trọ vỏn vẹn trên dưới 10m2.
Ông Phạm Văn Hồng (59 tuổi, quê ở Hưng Yên), người đã dành 18 năm cuộc đời sống ở xóm chạy thận nghèo cho biết: “Không cần nói đến dịch hay không, bình thường anh em chúng tôi cũng đã quá vất vả rồi. Luôn phải nghĩ xem làm thế nào để kiếm được tiền, trả tiền thuê trọ, tiền ăn, thuốc men, tiền đi vào viện chữa trị".
Trên cánh tay của ông chằng chịt những vết u cục thâm tím do phải chạy thận suốt 18 năm.
"Bình thường những người đang bị bệnh như chúng tôi sử dụng tiết kiệm thì mỗi tháng tiêu hết khoảng 2,5 – 3 triệu đồng. Hiện tại, đang mùa dịch bệnh, chúng tôi không ra ngoài làm việc được nên rất khó khăn. Chúng tôi biết mình có sẵn bệnh nền trong người nên rất hạn chế ra khỏi nhà. Lúc phải ra ngoài mua thực phẩm chúng tôi động viên nhau tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm”, ông Hồng nói.
Chị Nguyễn Thị Thuý (42 tuổi, quê ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) mỗi tuần 3 lần chạy thận, ròng rã suốt 18 năm nay.
Những vết u cục nổi rõ trên tay người phụ nữ mắc bệnh lâu năm.
“Mấy tháng trước, tôi đều đặn theo lịch đạp xe đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chạy thận. Nhưng hôm đó khi đến cổng bệnh viện thấy trong người có biểu hiện chóng mặt bất thường nên bị ngã gãy xương đùi. Sau đó, tôi đi mổ nhưng ca phẫu thuật không thành công. Hiện tại, tôi không di chuyển được và phải nằm liệt giường”, chị Thuý tâm sự về khó khăn đang gặp phải.
Hoàn cảnh của chị Thúy rất khó khăn, chồng chị mất sớm do căn bệnh ung thư quái ác. Gia đình chị có 2 chị em, người em cũng không khá giả gì nên không hỗ trợ được nhiều. Mẹ chị năm nay đã 70 tuổi, bà bỏ hết công việc ở quê lặn lội lên Hà Nội chăm con.
Chị Trương Thị Lê (quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) đã chạy thận được hơn 10 năm. Con gái chị cũng cũng mắc bệnh này và hiện tại đang chạy thận ở đây cùng mẹ.
“Sức khỏe tôi không tốt nên thường xuyên phải ở nhà. Trước kia tôi làm rau mầm bán mỗi ngày được khoảng 50 – 70 nghìn đồng, còn con gái thì đi may. Nhưng gần nửa năm nay, dịch COVID-19 phức tạp nên chúng tôi nghỉ hết. Thu nhập chủ yếu dựa vào con gái và gia đình hỗ trợ”, chị Lê chia sẻ.
Nguyễn Thị Liên (22 tuổi, con gái chị Lê) cho biết: “Cuối năm lớp 10 em biết mình bị bệnh, em rất buồn và khóc nhiều. Lên lớp 11 em nghỉ học để có thêm thời gian điều trị. Một tuần em chạy thận 3 lần, mỗi lần xong đều rất mệt. Đôi lúc em buồn và nhớ nhà lắm. Đợt trước khi chưa có dịch thi thoảng về thăm nhà nhưng thời gian gần đây dịch bùng phát mạnh và giãn cách xã hội nên mấy tháng rồi chưa được về".
18 người sống trong xóm chạy thận đều phải đương đầu với những bất hạnh, éo le riêng. Nhưng nơi đây vẫn nhen nhóm những niềm vui, hạnh phúc nhỏ nhoi, đó chính là tình yêu giữa Khương và Liên. Anh Lê Văn Khương (33 tuổi, quê Hà Nam) cũng là bệnh nhận đi chạy thận và gắn bó với xóm chạy thận nghèo được 6 năm.
Anh Khương và Liên yêu nhau được 5 năm. Khi được hỏi về chuyện tình của hai người, anh chỉ cười và nói "thấy hợp nhau thì góp gạo thổi cơm chung thôi".
"Tôi cũng ước mơ chúng tôi sẽ có một đám cưới đơn giản, bình thường. Thế nhưng với căn bệnh chúng tôi mắc phải, cứ nghĩ đến cảnh tượng người ở lại, người ra đi cũng thấy sợ lắm. Tương lai không biết thế nào nữa… Thôi cứ sống với nhau được ngày nào là hạnh phúc ngày đó”, anh Khương chia sẻ.
Cuộc sống phía trước với họ còn rất nhiều khó khăn, những cư dân ở xóm chạy thận đều hy vọng dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường, để họ tiếp tục kế sinh nhai và bước tiếp trên chặng đường chạy thận gian nan.