Trong khi nhiều người đang hối hả sắm sửa Tết và trở về đoàn tụ bên gia đình, thì tại xóm trọ chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều bệnh nhân đã quen đón Tết xa nhà hàng chục năm nay.
Cũng như mọi năm, các bạn sinh viên mang cành đào đến tặng xóm trọ để mang không khí Tết đến với các bệnh nhân.
Các đoàn từ thiện tặng bánh chưng, giò... cho các bệnh nhân xóm trọ đón Tết.
Bà Phạm Thị Tảo (60 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên) nạo củ cải của đoàn từ thiện cho để đem phơi khô dùng dần. "Chúng tôi mắc bệnh này ăn uống kiêng khem lắm, lượng nước vào cơ thể chỉ được khoảng 500ml/ngày thôi vì không đi tiểu được do thận hỏng. Chúng tôi phải đi viện 3 lần/tuần, người nào nhiều nước trong cơ thể thì phải đi thêm 1 lần/tháng", bà Tảo cho hay.
Bà Nguyễn Thị Ráng (56 tuổi, ở Đông Hưng, Thái Bình) sống độc thân, mắc bệnh suy thận đã 16 năm. Năm nay là năm thứ 10 bà ở lại đây ăn Tết.
Hình ảnh Dương Thị Lan (SN 1994, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) - bệnh nhân suy thận độ 4 khi gặp PV vào tháng 9/2017. Lúc đó, cô tràn đầy sự lạc quan khi đang mang bầu bé trai được 5 tháng. "Chồng em bảo đi xem bói năm nay đẻ con hợp với tuổi Thìn của chồng, làm ăn cứ gọi là phất lên luôn”, Lan tâm sự.
Tuy nhiên sau hơn 1 năm gặp lại, Lan cho biết, cũng vì bị ảnh hưởng bệnh từ mẹ nên bé trai khi sinh ra đã mất. Sau đó, chồng Lan đi lấy vợ khác khiến cô suy sụp rất nhiều. Đến nay, Lan lấy lại được cân bằng để tiếp tục sống và chiến đấu với bệnh tật.
Theo những chủ xóm trọ, trước đây họ cũng cho cả sinh viên thuê nhưng vì bừa bãi nên sau đó họ chỉ nhận những người chạy thận vì sạch sẽ, ngăn nắp hơn.
"Ngày Tết ở xóm trọ cũng vui lắm, trong đêm đón Giao thừa, mọi người quây quần lại bên nhau ăn bánh kẹo, trò chuyện... để vơi đi nỗi nhớ nhà, động viên nhau. Nhưng nhiều khi tủi thân lại rơm rớm nước mắt vì không được ăn Tết bên gia đình", bà Nguyễn Thị Sợi (Hiệp Hòa, Bắc Giang) tâm sự.
"Xóm chạy thận nơi đây có 129 bệnh nhân, vào dịp Tết năm nay, có 48 người đăng kí ở lại vì nhà xa, sức khỏe yếu và lịch chạy thận dày đặc. Vào ngày 30 tháng Chạp, chúng tôi tổ chức buổi tất niên xóm với bánh, hoa quả và các tiết mục văn nghệ... động viên an ủi nhau, rồi cùng nhau xem bắn pháo hoa lúc Giao thừa", anh Nguyễn Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) - bệnh nhân 23 năm chạy thận và cũng là trưởng xóm chia sẻ.
Theo cư dân xóm chạy thận, sau khi đón Giao thừa xong, mọi người lại ai về nhà nấy và chuẩn bị cho những ngày tháng điều trị, sống với căn bệnh suy thận quái ác.