Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Nông dân Hưng Yên chèo thuyền thu hoạch củ ấu từ sáng sớm

(VTC News) -

Cứ đầu mùa Đông, trên các ao, đầm dọc triền đê xuôi quốc lộ 39 ở Tiên Lữ (Hưng Yên), từng đoàn người ngồi thuyền, nối đuôi nhau thu hoạch ấu từ mờ sáng đến mịt tối.

Ấu là loại cây rất lành và dễ tính, sinh trưởng và phát triển tốt ở ao, đầm và những chân ruộng trũng. Cây ấu nổi bồng bềnh trên mặt nước, chẳng cần mất nhiều công chăm bón, tự hút chất dinh dưỡng từ bùn đất để sinh sôi, phát triển. “Trồng ấu đơn giản hơn rất nhiều so với trồng lúa. Chỉ cần ươm giống rồi chờ đến ngày thu hoạch. Sức sống của ấu dẻo dai, chỉ cần trồng một lần có thể cho thu hoạch lâu dài”, bà Nguyễn Thị Tám (53 tuổi, ở Thụy Lôi, Tiên Lữ, Hưng Yên) hơn 20 năm trồng ấu chia sẻ.

Vào khoảng tháng 2 (âm lịch), người dân lấy củ ấu già, vo tròn trong nắm đất, thả xuống ao, đầm... đến độ đầu đầu Đông, ấu sẽ cho thu hoạch. 

Người dân phải chèo thuyền thu hoạch củ ấu. Mỗi thuyền thường mang theo một chiếc ghế nhỏ, nước uống, rổ, bao đựng ấu và một đôi găng tay dày để tránh bị gai ấu đâm.

Công việc bắt đầu trước 6h và kết thúc lúc 18h.

Đau mỏi người nhưng không có chỗ nghỉ ngơi, chốc lát, bà Bùi Thị Thủy (người hái ấu thuê) lại dùng tay đấm nhẹ vào lưng mấy nhát cho đỡ mỏi, rồi tiếp tục công việc.

Mọi người thường di chuyển theo hàng, để tránh bị bỏ sót ấu.

Nếu hái không kịp, củ ấu già sẽ rụng và chìm xuống bùn. Khi đó, nông dân lại phải đeo ủng cao su đến ngang người để mò ấu. Gai ấu sắc nhọn, nếu mò không cẩn thận có thể bị đâm vào chân.

Có những chiếc thuyền lâu ngày đã bị hoen gỉ, ố vàng khiến nước tràn vào. Thỉnh thoảng bà Thủy lại phải dừng lại dùng gáo tát nước trong thuyền ra.

Bên cạnh các hộ trồng ấu thì nhiều lao động nông nhàn khác ở các địa phương cũng có thêm thu nhập nhờ việc hái ấu thuê. Trung bình một ngày, mỗi nhân công hái được khoảng 50-80kg/ngày, thu nhập bình quân 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Bà Hưởng (áo trắng) cho biết: “Mỗi ngày tôi kiếm thêm được 150.000 đồng từ tiền hái ấu thuê. Mặc dù, số tiền không lớn, nhưng cũng đủ trang trải trong sinh hoạt hàng ngày”.

Người nông dân ngồi trên chiếc thuyền sắt mỏng manh, nước sát mặt thuyền. Nhưng với những người dân thu hoạch ấu, công việc này chẳng thể làm khó được họ.

Dù mới thu hoạch ấu 2 tuần, nhưng đôi găng tay của những người nông dân đã bị nhuộm đen như màu bùn.

Để tăng thêm thu nhập, một số gia đình còn kết hợp với việc trồng ấu và thả cá. Gia đình chị Nguyễn Thị Bình (thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ) đã áp dụng mô hình này từ nhiều năm nay trên diện tích 10 mẫu ao. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6-7 đợt thu hoạch. Mỗi sào trung bình sẽ cho thu từ 500kg củ.

“Việc trồng ấu kết hợp với thả cá giúp đem lại hiệu quả kinh tế “kép”. Cây ấu khi phát triển tốt sẽ hứng nắng, làm giảm nhiệt độ, hạn chế tình trạng cá chết do nắng nóng vào mùa hè. Mặt khác, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng sẽ diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại ấu. Đồng thời, phân cá thải ra còn là nguồn dinh dưỡng để cây ấu phát triển...”, chị Nguyễn Thị Bình cho biết.

Củ ấu có vị bùi, thơm và ngậy.

Khi mặt trời khuất bóng cũng là lúc những người nông dân nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.

Sau khi hái lên bờ, củ ấu được rửa sạch và phân loại rồi đem bán ở các chợ quanh vùng. Ấu thu hoạch xong được bày bán nhiều ven các triền đê, các chợ cóc, một vài tiểu thương tìm đến tận nơi để mua ấu mang lên các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng… để tiêu thụ.

Các năm trước giá bán ấu có thời điểm lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá ấu giảm nhẹ xuống còn 13.000 - 17.000 đồng/kg. Trung bình ấu sẽ cho thu hoạch 7 - 10 triệu/sào, cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa.

Vũ Vân

Tin mới