Học sinh khối 10, Trường THPT Tập Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã có những tiết học văn thú vị khi vẽ tranh từ một số đoạn trích trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
Thầy Trầm Thanh Tuấn, giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết, cách giảng dạy trên của thầy xuất phát từ ý tưởng của hai tác giả Taffy E. Raphal và Elfrieda H.Hiebart trong chuyên luận "Phương pháp dạy đọc hiểu văn bản".
"Mỗi khi đọc, tôi phải lưu giữ một hình ảnh trong đầu về câu chuyện. Tôi có thể vẽ nó ra trong nhật ký đọc sách và chia sẻ với các bạn trong nhóm. Khi vẽ hình, tôi cần chú thích để ghi nhớ hình ảnh đó từ đâu đến, điều gì làm tôi nghĩ ra", thầy Tuấn dẫn lời của Taffy E. Raphal và Elfrieda H.Hiebart nói về lợi ích của việc vẽ tranh khi học văn.
Để có thể vẽ một số đoạn trích trong "Truyện Kiều", thầy Tuấn yêu cầu học sinh đọc và vẽ minh họa cho hai đoạn trích được học chính đó là "Trao duyên" và "Chí khí anh hùng". Học sinh cũng có thể vẽ minh họa cho những đoạn trích/tác phẩm khác ngoài chương trình.
"Để vẽ được bức tranh đẹp, học sinh phải có quá trình đọc văn bản kĩ lưỡng, tìm ý tưởng cho bức tranh", thầy Tuấn nói.
"Từ đó, giúp học sinh nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản và hình thành ở các em nhu cầu tìm hiểu tác phẩm khác ngoài đoạn trích đã học. Bên cạnh đó, vẽ tranh còn giúp học sinh phát huy năng lực hội họa và thấy được mối quan hệ giữa hội họa và văn học", thầy Tuấn chia sẻ thêm.
Sau khi vẽ xong, tranh được triển lãm tại lớp học, giáo viên đánh giá, cho điểm qua hai nội dung gồm tranh vẽ và phần trả lời câu hỏi của học sinh.
Nhân vật người anh hùng Từ Hải "Râu hùm, hàm én, mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao" qua đoạn trích "Chí khí anh hùng".
Hình ảnh lãng mạn Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe dưới ánh trăng vàng.