Trong đó, xuất khẩu ước đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng gần 20 tỷ USD, giảm 2,5%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
8 tháng qua nông, lâm, thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD. (Ảnh minh họa)
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 26 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; lâm sản chính đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%;
Trong 8 tháng, mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ….Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp có 7 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ với trên 5,4 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, tính chung 8 tháng qua, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 6,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ và chiếm 24% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) ...
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19 trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thông tin kịp thời cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc để doanh nghiệp, người dân chủ động trong điều chỉnh sản xuất kinh doanh, hạn chế việc gây áp lực cho tiêu thụ trong nước khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Các đơn vị chức năng của Bộ cũng tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường sang các nước: Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… Đồng thời, xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia sau khi kết thúc dịch COVID-19.