Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2019 của Bộ Công Thương cho biết, con số xuất siêu kể trên cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (khoảng 7,58 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, xuất siêu 32,6 tỷ USD.
Việt Nam liên tục xuất siêu kể từ năm 2012. (Ảnh: Moit)
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với mức xuất siêu cao kỷ lục và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ tư liên tiếp của Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%).
Tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).
Bên cạnh đó, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy chúng ta chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của 2018 và 81,0% của 2017.
Bộ Công Thương dự báo kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…