Trong đó, xuất khẩu ước mang về 145,1 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu khoảng 143,3 tỷ USD, tăng 8,3%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm thặng dư 1,8 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho hay, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng khá như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19%, giày dép tăng 15,9%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,4%, hàng dệt may và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cùng tăng 11,2%...
Việt Nam xuất siêu 1,8 tỷ USD kể từ đầu năm. (Ảnh: Moit)
Khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%).
Trong 7 tháng đầu năm, có 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; 4 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 51,6%.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đó là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, tăng 7,2%...
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy các ưu đãi từ các FTA cơ bản đã được tận dụng có hiệu quả.
Ví dụ xuất khẩu sang Nhật Bản 7 tháng đầu năm đạt 11,4 tỷ USD, tăng 9,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 15,17 tỷ USD, tăng 5,4%; xuất khẩu sang Nga đạt 1,67 tỷ USD tăng 14,1%...
Cũng theo Bộ Công Thương, hầu hết các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính đều tăng mạnh. Trong đó, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 28,2 tỷ USD, tăng 19%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,7%, đạt 28,2 tỷ USD; vải các loại tăng 4,6%, nguyên phụ liệu dệt may tăng 6,1%, đặc biệt dầu thô tăng tới 163,6%...
Nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát chiếm 7,2% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước, với kim ngạch đạt 10,35 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,9 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 26,6 tỷ USD, giảm 0,8%.