Tuổi trẻ mang lại cho bạn lợi thế về thời gian. Và ở thời điểm này, nếu có những lựa chọn thông minh về mặt tài chính ngay từ đầu, bạn có thể bước thẳng đi trên con đường dẫn đến thành công. Nhưng nếu không may vấp phải sai lầm, thì thiệt hại về sau khó mà tránh khỏi.
Dưới đây là một số sai lầm thường thấy ở những người trẻ tuổi trong việc chi tiêu mà bạn có thể nhận biết để tránh xa vết xe đổ này.
Chi tiêu vì áp lực xã hội
Đây là sai lầm phổ biến nhất của nhiều người trẻ tuổi. Áp lực xã hội và văn hóa phô trương tài sản chính là nguyên nhân lớn nhất khiến bạn phải bỏ tiền ra rất nhiều. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn chi tiền mua đồ hiệu, đồ đắt chỉ để xây dựng hình ảnh bản thân. Việc này không sai, nhưng nếu không kiểm soát kịp thời, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái cạn kiệt tiền bạc.
Áp lực mua chiếc iPhone mới nhất hoặc đi du lịch sang chảnh chỉ để cho người khác thấy sự sung túc của mình không giúp bạn đi xa hơn, hay có vị trí xã hội cao hơn một cách bền vững. “Tâm bất biến giữa đời vạn biến”, đó là cách sống mà bạn cần học để tránh cái bẫy chi tiêu xã hội.
Hãy chi tiêu cho bản thân thay vì xu hướng của xã hội. (Ảnh: Pinterest)
Mua sắm bốc đồng
Một ví dụ điển hình về chi tiêu bốc đồng là đi vào siêu thị với ý định mua một hộp sữa và kết thúc với một giỏ hàng đầy những món đồ không hề có trong danh sách cần mua. Một ví dụ tương tự là mua hàng vô tội vạ trên các trang thương mại điện tử.
Đứng trước những tình huống như chỉ cần mua kèm thêm vài món đồ nhỏ sẽ được giảm giá, hay miễn phí vận chuyển... phần lớn chúng ta sẽ bị cuốn vào các mánh lới bán hàng, khiến bạn chi tiêu nhiều hơn mức bạn cần. Mua sắm bốc đồng không phải là nhu cầu cần thiết và thường khiến nhiều người chi tiêu vượt quá khả năng của họ.
Sống bằng tiền đi vay
Lạm dụng thẻ tín dụng là một trong những sai lầm "chết người" của giới trẻ. (Ảnh: Pinterest)
Câu chuyện thẻ tín dụng chưa bao giờ là cũ. Có một chiếc thẻ tín dụng không xấu, nhưng việc dùng thẻ để chi tiêu vô tội vạ sẽ khiến bạn chìm sâu vào các khoản nợ. Lãi suất thẻ tín dụng có thể khiến giá một món hàng bạn mua trở nên đắt gấp mấy lần so với việc sử dụng số tiền đang có của bản thân. Trong một số trường hợp, sử dụng thẻ tín dụng cũng có nghĩa là bạn sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được.
Không có quỹ khẩn cấp
Luôn thủ sẵn bên mình một khoản tiền để có thể dùng khi xảy ra chuyện khẩn cấp. (Ảnh: Pinterest)
Những người trẻ tuổi thường không nhận thức được sự cần thiết của quỹ khẩn cấp và không cân nhắc việc tiết kiệm.
Trong số rất nhiều bài học mà năm 2020 với sự tấn công của dịch bệnh đã dạy cho chúng ta, thì rõ ràng và chân thực nhất chính là việc mọi thứ đều có thể vượt ngoài tầm kiểm soát một cách nhanh chóng.
Bất cứ lúc nào, điều bất ngờ cũng có thể xảy ra, chẳng hạn như một chiếc máy tính xách tay bị hỏng, những rắc rối về xe cộ và những chi phí y tế không lường trước được. Hãy cân nhắc dành tiền cho quỹ khẩn cấp. Ngay cả một vài trăm ngàn một tháng cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
Không tìm hiểu về kiến thức tài chính
Lợi nhuận gộp lớn nhất không đến từ trái phiếu, cổ phiếu hay thậm chí là bất động sản. Nó đến từ học hỏi. Đúng vậy, các bạn trẻ ngày nay có xu hướng hiểu biết rất nhiều, kiến thức rất tốt nhưng việc học không bao giờ nên dừng lại. Đặc biệt hiểu biết về tài chính không chỉ là thứ có được qua một đêm hay từ sách giáo khoa. Nó cũng đến từ sự va chạm và kinh nghiệm.
Hầu hết các triệu phú không phải sinh ra đã giàu, họ đã học cách xây dựng sự giàu có. Họ càng học nhiều, họ càng hiểu nhiều hơn về thế giới, họ càng kiếm được nhiều tiền.
Bạn không cần phải đến trường đại học để học hỏi về thế giới tài chính bởi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ. Câu trả lời có thể được tìm thấy chỉ trong vài giây qua internet từ hầu hết mọi thiết bị.