Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dừng xem nhẹ nỗi đau của người khác: Không thấy không có nghĩa nó không tồn tại

Không có một quy chuẩn nhất định nào cho nỗi đau, vì vậy thật vô nghĩa nếu đem nỗi đau ra so sánh, đong đếm hay thậm chí là xem thường.

Trong những vấn đề liên quan đến cảm xúc, nỗi đau cũng là một phần không thể tránh khỏi, giống như hạnh phúc và niềm vui. Và cũng giống như điều mà mọi người vẫn thường hay khuyên nhủ nhau, so sánh một phép tính chỉ nên xuất hiện trong các công thức toán học chứ không phải ở các mối quan hệ, sự tương quan giữa người với người cũng như cảm xúc cá nhân.

Việc so sánh cảm xúc của bản thân với người khác cũng vô nghĩa và độc hại như việc so sánh những thứ như vẻ bề ngoài, địa vị, thành công, tài sản…

Cảm xúc của mỗi người là một trải nghiệm độc nhất và không hề giống bất kỳ ai. Vì vậy, có một điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ rằng không bao giờ được đánh giá thấp mức độ tổn thương, nỗi đau của người khác.

Không có một thang đo nhất định cho nỗi đau, nên nỗi đau nào cũng cần được tôn trọng và lắng nghe. (Ảnh: Pinterest)

Bắt nguồn từ sự khác biệt trong tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, mức độ nhận thức, tầng lớp xã hội, tôn giáo, niềm tin…, mỗi người sẽ phát triển thành một cá thể riêng biệt với rất nhiều thứ khác biệt, trong đó có cả sức chịu đựng. Có thể nói, mỗi người sinh ra với mức độ chịu đựng khác nhau. 

Bạn không thể ước lượng chính xác vấn đề của người khác, bởi vì bạn không sống theo cuộc sống của họ, không ở trong hoàn cảnh của họ, không biết được mâu thuẫn của họ và những yếu tố nào ảnh hưởng đến nỗi lo của họ. Do đó, chúng ta không có cơ sở và càng không có quyền để đánh giá nỗi đau của bất kì ai.

Có những điều có thể khiến người này tổn thương vô cùng sâu sắc nhưng lại không thể làm đau một người khác. Nhưng không có nghĩa là điều ấy không quan trọng, hoặc nỗi đau của người kia là không đáng để bận tâm. 

Chỉ vì chúng ta không nhìn thấy, không cảm nhận được nỗi đau của người khác không có nghĩa nó không tồn tại. (Ảnh: Pinterest)

Chỉ bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy nỗi đau - hoặc cảm thấy rằng những gì mà đối phương trải qua không khiến ta cảm thấy thật sự đáng để đau khổ, thì cũng không có nghĩa là nỗi đau đó không có thật, không làm tổn thương người ấy. 

Chỉ vì chúng ta hoặc đã trải qua những nỗi đau kinh khủng hơn hoặc có sức chịu đựng giỏi hơn, không đồng nghĩa rằng chúng ta có quyền xem thường nỗi đau của người khác. 

Đừng vô tình biến mình trở nên vô cảm như vậy!

Nếu ai đó thực sự có đủ can đảm để nói với bạn rằng “Điều này đã làm tổn thương tôi”, hãy đảm bảo rằng bạn thực sự lắng nghe nỗi lòng của họ... và không chỉ là lắng nghe những câu từ, mà còn thấu hiểu cảm xúc chân thành, đau đớn đằng sau những lời nói đó.

Hãy mở rộng đôi tai cùng trái tim của mình và đối xử nhẹ nhàng hơn với những tổn thương mà người khác đang gánh chịu. (Ảnh: Pinterest)

Nếu biểu hiện của nỗi đau bị bỏ qua và cảm xúc của một người bị xem nhẹ, đặc biệt là bởi những người thân yêu của họ, một cảm xúc khác sẽ dễ bùng phát, đó là sự tức giận.

Đã bao giờ bạn nhận thấy một cuộc cãi vã xảy ra giữa bạn và người thân/bạn bè/người yêu bắt nguồn từ việc một trong hai phía đang trải qua sự tổn thương nào đó mà không có được sự thấu hiểu?

Trong hầu hết các trường hợp, tức giận là kết quả của cảm giác không được lắng nghe, dẫn đến thất vọng và đau đớn trầm trọng hơn. Thật đáng buồn là chúng ta dường như có thể nghe, nhìn và cảm nhận rõ sự tức giận của người khác, tập trung vào nó nhiều hơn, nhưng lại phớt lờ trước nỗi đau mà họ đã thể hiện trước đó. 

Nếu thật sự quan tâm đến những người thân yêu của mình, thật sự muốn đối phương trở nên tốt hơn, hãy rèn luyện đôi tai và trái tim của bạn để lắng nghe nỗi đau của họ. Bạn tôn trọng nỗi đau của người khác càng sớm thì vấn đề càng được xác định sớm và quá trình chữa lành có thể bắt đầu sớm hơn, cùng với đó sẽ là sự giảm thiểu những nỗi hối tiếc.

Cersei (Dr. Melody T. McCloud)

Tin mới