Rau tiến vua
Chỉ nghe tên cũng đủ biết loại rau này thuộc hạng “cao cấp”. Ngoài ra, trên thị trường, người ta còn gọi rau tiến vua bằng nhiều cái tên như rau công sôi, rau cần biển, rau câu hay rau cần khô, thường chỉ mọc ở vùng ven biển miền Trung nước ta.
Cận cảnh rau tiến vua. (Ảnh minh họa)
Loại rau này có thân lá đôi, tức là lá và thân là một và luôn chỉ có hai nhánh. Thân lá tiến vua mềm nhưng dai, có kích cỡ thường bằng ngón tay út hoặc có thể to hơn. Mùa thu hoạch thường rơi vào tháng Tư Âm lịch. Rau tiến vua được bán tươi hoặc sấy khô, muối chua.
Ngoài để tươi, rau tiến vua có thể sấy khô hoặc muối chua. (Ảnh minh họa)
Dù đúng mùa thì loại rau này vẫn có giá cao ngất ngưởng, từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Riêng lúc khan hiếm có khi còn lên tới cả triệu đồng. Thông thường, người ta mua rau này về để làm các món như gỏi, xào thịt, nấu canh…
Một đĩa rau tiến vua xào thập cẩm ngon miệng. (Ảnh: Cookbeo)
Rau càng cua
Rau càng cua còn có hàng loạt tên gọi khác như: Rau tiêu, đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo... Đây là loài thực vật thân thảo, phần nhánh cao khoảng 20–40cm, thân cây chứa nhiều nước và nhớt, lá hình trái tim nhọn và có màu xanh trong.
Rau càng cua (Ảnh minh họa)
Rau càng cua là loại thực vật mọc dại nhưng lại có giá tới 70.000 - 110.000 đồng/kg. Lý do khiến người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền đắt đỏ tương đương với thịt cá là vì rau càng cua có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thậm chí nhiều nơi trên thế giới, người ta xem rau càng cua là "thần dược".
Rau càng cua khi ăn có vị hơi chua, thường được dùng để trộn gỏi, xào tỏi hoặc ăn sống. (Ảnh minh họa)
Rau đắng biển
Rau đắng biển phát triển tốt nhất trong môi trường ẩm ướt, phát triển, gần các kênh mương, suối, vùng cửa sông, đầm lầy hay những bãi biển đầy cát trắng. Từ lâu, nó đã được truyền tai nhau là loại rau "đắt mấy cũng phải ăn ít nhất 1 lần trong đời" vì độ thơm ngon và cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Rau đắng biển (Ảnh minh họa)
Rau đắng biển có thể dùng để nhúng lẩu, nấu canh cá lóc, cá đồng… hoặc thậm chí là chấm kho quẹt đều "ngon hết sẩy". Có nhiều thời điểm, giá loại rau này lên đến 95.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt nhưng nhiều người chẳng tiếc tiền để mua cho bằng được.
Rau đắng biển có thể dùng để chế biến nhiều món ngon. (Ảnh minh họa)
Rau thối
Mặc dù có cái tên không mấy hấp dẫn nhưng rau thối (tiếng Thái là pắc nam) lại là đặc sản khó quên của người dân Tây Bắc. Thông thường, người ta chỉ dùng phần chồi non với nhiều phiến lá nhỏ, dài, cụp vào nhau để chế biến thành các món ngon. Đây được xem là phần lá ngon nhất, thường chỉ xuất hiện vào độ tháng Ba, tháng Tư hàng năm.
Rau thối (Ảnh minh họa)
Rau thối thường được bà con vùng cao làm thành nhiều món ngon như nấu canh, xào tỏi, chiên với trứng hoặc làm nộm (gỏi). Khi xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác, loại rau này có giá không hề rẻ tí nào, thường dao động từ 65.000 đồng/kg – 90.000 đồng/kg.
Rau thối xào tỏi hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Rau mầm đá
Mầm đá là loại thực vật hầu như chỉ phát triển được ở những vùng khí hậu lạnh, trên những vùng núi cao phía Bắc (Sa Pa). Thời tiết càng lạnh, rau càng ngon và chỉ có thể tìm thấy ở một mùa đông duy nhất. Chính vì sự "hiếm có khó tìm" này, mầm đá được các bà nội trợ và thương lái săn lùng rất nhiều.
Rau mầm đá (Ảnh minh họa)
Loại rau này có rất nhiều mầm non mọc tua tủa xung quanh như búp măng, tạo thành hình tháp nhọn. Theo những người có kinh nghiệm, rau mầm đá có thể dùng để luộc hoặc xào đều được. Muốn giữ độ tươi ngon của nó thì chỉ nên xào rau với mỡ động vật để giữ màu xanh, độ ngọt thơm. Rau mầm đá có giá dao động trung bình từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn cho 1kg.
Rau mầm đá luộc cũng là một món ngon khó cưỡng. (Ảnh minh họa)