Với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân tháng 40-45 tỷ USD hiện nay thì khoảng giữa tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước có thể cán ngưỡng 500 tỷ USD và hết năm 2019, con số này sẽ vượt 500 tỷ USD. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Thặng dư thương mại cũng được dự báo sẽ ở mức kỷ lục. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, con số xuất siêu lên tới 9,1 tỷ USD trong tháng 11/2019.
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sắp cán ngưỡng 500 tỷ USD. Ảnh: TL
Cũng theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8%, chiếm 69% (tỷ trọng giảm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong 11 tháng của năm 2019, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất - đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD, tăng 7,8%; giày dép đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 9,8%.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Trong khi đó, 11 tháng, cả nước nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 98,21 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 212,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 20,2 tỷ USD, tăng 11,6% và chiếm 8,7% (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; thị trường ASEAN đạt 29,6 tỷ USD, tăng 1,7%; Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,5%; thị trường EU đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%; Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 11,3%.
Thặng dư thương mại lớn do xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính 11 tháng năm 2019, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,6 tỷ USD.