Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xôn xao việc một Chủ tịch UBND thị trấn bị tòa tuyên phạm tội hình sự vẫn tại vị

Bị tòa tuyên án về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), vẫn tại vị.

Tháng 2/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố một số bị can là cán bộ lãnh đạo thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) để điều tra vụ án xảy ra tại dự án nâng cấp, cải tạo chợ Hợp Châu (thị trấn Hợp Châu). Trong số những cá nhân bị khởi tố, có ông Đào Xuân Định, Phó Bí thư Đảng ủy và ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu, cùng ông Nguyễn Như Hùng, Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng.

Ông Đào Xuân Định và Trần Văn Bình bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1, Điều 360, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, kể từ khi bị khởi tố đến nay, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu, vẫn tham gia điều hành, chỉ đạo, ký nhiều văn bản về hành chính. Lo ngại sai phạm chồng sai phạm, người dân đã có ý kiến phản ánh.

Một góc chợ Hợp Châu (ảnh lớn). Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu (ảnh nhỏ).

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Khắc Đông, Bí Thư Đảng ủy thị trấn Hợp Châu cho biết, ông Bình đang điều hành chính quyền thị trấn Hợp Châu và người dân phản ánh là có cơ sở. Chức danh Chủ tịch UBND thị trấn thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, UBND huyện sẽ đình chỉ chức vụ.

“Vừa rồi tòa án đưa vụ án ra xét xử. Anh Định không kháng án còn anh Bình tiếp tục kháng án. Còn về mặt Đảng, sau khi có quyết định khởi tố bị can, Đảng ủy thị trấn đã báo cáo Huyện ủy Tam Đảo. Sau đó, Huyện ủy có quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng với hai người này. Sau khi có quyết định truy tố, Huyện ủy tiếp tục đình chỉ sinh hoạt Đảng, HĐND thị trấn cũng đình chỉ hoạt động của đại biểu HĐND đối với hai người này”, ông Đông cho hay.

Liên quan vụ án này, ngày 23/9, TAND tỉnh Vĩnh Phúc có bản án tuyên các bị cáo Phạm Văn Lợi, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Hồng Thắng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, Tòa tuyên phạt Phạm Văn Lợi 3 năm tù; Nguyễn Như Hùng 18 tháng tù; Nguyễn Hồng Thắng 15 tháng tù hưởng án treo.

Bị cáo Trần Văn Bình và Đào Xuân Định phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, bị cáo Đào Xuân Định bị phạt 15 tháng tù treo, bị cáo Trần Văn Bình bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Khi được hỏi về việc này, ông Trần Văn Bình cho biết, mức án đối với ông là quá nặng và ông đang tiếp tục kháng án. Về việc điều hành UBND thị trấn, ông Bình cho biết, quyết định thế nào là do cơ quan quản lý cấp trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, đối với trường hợp của ông Bình, UBND huyện đang đợi Ban Thường vụ Huyện ủy có ý kiến rồi mới giải quyết theo quy định.

Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp chợ Hợp Châu do UBND xã Hợp Châu (nay là thị trấn Hợp Châu) làm chủ đầu tư với trị giá hơn 4 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2015, thời điểm ông Đào Xuân Định là Chủ tịch còn ông Trần Văn Bình là Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Châu.

Khi dự án hoàn thành, tiểu thương phát hiện 300 triệu đồng trong số 700 triệu đồng thu được từ nguồn xã hội hóa để xây dựng công trình này đã "nằm" ngoài sổ sách nên đã tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng.

Thanh tra huyện Tam Đảo sau đó vào cuộc và kết luận, UBND xã Hợp Châu và đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trường An có sai phạm nghiệm thu công trình không đúng thiết kế được phê duyệt. Việc triển khai huy động và thông qua mức đóng góp tự nguyện của nhân dân, Thường vụ Đảng ủy xã có họp và đưa ra mức thu, nhưng UBND xã Hợp Châu không báo cáo HĐND xã là chưa đúng với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

Việc UBND xã không giao cho cán bộ kế toán ngân sách xã mà giao cho thủ quỹ, văn thư UBND xã thu, quản lý khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân xây dựng chợ là chưa đúng quy định.

Ngoài ra, UBND xã Hợp Châu không nộp đầy đủ số tiền nhân dân đóng góp xây dựng chợ và phản ánh, hạch toán vào tài khoản ngân sách xã số tiền 367 triệu đồng là vi phạm pháp luật.

Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm:

9. Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tuỳ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.

10. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Khi các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan bảo vệ pháp luật thi hành kỷ luật, khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức Đảng quản lý đảng viên đó biết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải quyết định thi hành kỷ luật về Đảng.

 
Nguồn: Tiền Phong

Tin mới