Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt 4 danh mục dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì tàu bay tại sân bay quốc tế Long Thành. Mỗi dự án có chi phí khoảng 688 tỷ đồng, huy động bằng vốn của nhà đầu tư.
4 khu bảo trì tàu bay đều đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của hàng không quốc tế. (Ảnh: VNA)
Quy mô công trình được xác định căn cứ theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình trong phạm vi xây dựng giai đoạn 1 của sân bay Long Thành đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Thời gian xây dựng mỗi dự án khoảng 24 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời gian khai thác dự kiến 25 năm kể từ ngày hoàn thành công tác đầu tư.
Mục tiêu các công trình này nhằm cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các loại tàu bay đến code F, trong đó bao gồm các loại tàu bay hiện đang đăng ký tại Việt Nam như Boeing B777/B787, Airbus A330/A350 và các loại tàu bay thân hẹp như A320/A321, Boeing 737NGs theo yêu cầu tiêu chuẩn của Hàng không dân dụng Việt Nam (CAA), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA).
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không miền Nam, hiện tại cả 4 lô đất xây dựng các khu bảo trì tàu bay chưa hoàn thành công tác đền bù do đó chưa thể đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính và hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết sau khi các lô đất xây dựng khu bảo trì tàu bay được UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cục Hàng không sẽ triển khai thủ tục công bố danh mục và kêu gọi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được thiết kế với công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2025.