Theo ông Trần Mạnh Hà, Chánh thanh tra Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, có 11/12 mẫu xăng gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 thử nghiệm không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học (QCVN 1:2015/BKHCN).
Xăng "bẩn" được sản xuất bằng cách pha xăng thật với các chất dung môi, mà chủ yếu là methanol, một chất rất nguy hiểm với động cơ.
Cụ thể là trị số Octan (đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng) không đạt chất lượng theo yêu cầu. Mẫu xăng duy nhất đạt yêu cầu là bể xăng A92 chưa bị pha chế.
Trước đó, ngày 10/10, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, bắt quả tang nhân viên của Công ty TNHH Thanh Ngũ (đóng tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) đang có hành vi đổ chất dung môi trong bồn xe vào bồn xăng cho khách hàng.
Bà Vũ Thị Thanh, chủ doanh nghiệp này thừa nhận đã dùng chất bột tạo màu pha với chất dung môi và xăng A92 theo tỷ lệ 50% xăng A92 + 50% chất dung môi + bột tạo màu, rồi tạo ra loại xăng A92 kém chất lượng.
Video: Phạt tù 16 nhân viên cây xăng gian lận 1,5 tỷ đồng
Trao đổi về vấn đề này, KS.Lê Văn Tạch cho biết, xăng giả hay xăng "bẩn" được sản xuất bằng cách pha xăng thật với các chất dung môi, mà chủ yếu là methanol, một chất rất nguy hiểm với động cơ. Nó có thể là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy xe khi đang chạy trên đường trong thời gian qua.
"Việc sử dụng xăng bẩn sẽ làm giảm công suất xe. Vì khi chưa đến điểm nổ, nhiên liệu đã gây kích nổ, đồng thời gây nóng máy khi sử dụng, cũng có thể dẫn tới tình trạng cháy, chập điện, dẫn tới xe đang chạy có thể bốc cháy" - KS. Tạch cho biết.