Trong báo cáo phân tích về diễn biến kinh tế vĩ mô tháng 3/2023, World Bank cho rằng, thời gian tới các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững để vươn tới khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
World Bank cho rằng, thời gian tới các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững. (Ảnh minh họa)
Theo World Bannk, tất cả các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng là sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, vừa là nơi thu hút việc làm lớn nhất vừa tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất cho các nền kinh tế đó. Tại khu vực đồng Euro năm 2019, các lĩnh vực dịch vụ đóng góp đến 70-80% GDP (tính theo giá trị gia tăng), trong khi tỷ lệ này ở Singapore đạt 70,8% GDP còn Hàn Quốc đạt 57,2%. Việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ cũng chiếm 84% và 70% so tổng việc làm tương ứng tại Singapore và Hàn Quốc.
Đối với Việt Nam, dịch vụ còn đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cấp mô hình phát triển của Việt Nam qua nâng cao giá trị gia tăng ở các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trong thập kỷ qua, quy mô khu vực dịch vụ tăng từ 40,7% GDP trong năm 2010 lên 44,6% GDP trong năm 2019.
Hơn thế nữa, khu vực dịch vụ thường đóng góp ở mức lớn nhất cho tăng trưởng tại Việt Nam, với mức đóng góp bình quân lên tới 3 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2010-2019, trong khi khu vực công nghiệp chỉ đóng góp 2,8 điểm phần trăm.
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 19% năm 1991 lên 35,3% năm 2019, hấp thụ phần lớn lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp và biến khu vực dịch vụ trở thành nguồn cung cấp việc làm đứng thứ hai trong cả nước, sau nông nghiệp.
Tuy nhiên, World Bank cũng cho rằng, kết quả đạt được của khu vực dịch vụ ở Việt Nam chưa xứng tầm so với các quốc gia so sánh khác. Năng suất và việc làm ở khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, có cơ cấu tương tự hoặc phát triển hơn.
Xuất khẩu dịch vụ có tay nghề cao, giàu kiến thức (được gọi là dịch vụ đổi mới toàn cầu) chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Chỉ 6,4% tổng số lao động trong ngành dịch vụ là làm việc ở nhóm này, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, và các dịch vụ chuyên sâu vốn thuộc nhóm hiệu quả nhất của nền kinh tế.
Ngoài ra, quy mô nhỏ của các công ty, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, áp dụng công nghệ thấp và ít liên kết liên ngành ảnh hưởng đến năng suất. Ngành dịch vụ của Việt Nam bị chi phối bởi các công ty quy mô nhỏ, sử dụng trung bình chỉ 1,5 lao động.
World Bank dự báo trong thời gian tới, các ngành dịch vụ, nếu được khai thác đầy đủ có thể đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Việt Nam.