Theo ông Trần Đình Long, thép chất lượng cao đáp ứng cho việc làm đường sắt tốc độ cao là điều tập đoàn này sẽ tìm hiểu, nghiên cứu.
“Hy vọng sau này Đảng, Chính phủ quyết tâm làm đường sắt cao tốc Bắc Nam, thì Hòa Phát sẽ tham gia vào thầu để cung cấp thép cho dự án”, ông Trần Đình Long chia sẻ.
“Những loại thép nào Việt Nam chưa làm thì Hòa Phát sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Long nhấn mạnh. (Ảnh: Hòa Phát)
Định hướng phát triển Hòa Phát trong tương lai, ông Trần Đình Long khẳng định luôn nhìn về tương lai 20, 30, 40 năm. Trong đó, Hòa Phát sẽ không mở rộng sản xuất các sản phẩm thép thông thường vì đây là các sản phẩm "tương đối dễ làm", mà chỉ tập trung nghiên cứu thép chất lượng cao và khó.
“Những loại thép nào Việt Nam chưa làm thì Hòa Phát sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Long nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của cổ đông Hòa Phát việc “Dự án Dung Quất 2 làm thép chất lượng cao, nhưng thị phần trong nước nhỏ thì chiến lược phát triển thị trường vươn ra xuất khẩu thế nào”, ông Trần Đình Long đáp lại: Bạn không sai khi bạn nói về thực tại, nhưng có xu hướng rất lớn, mang tính quy luật toàn cầu là chuyển dịch rất lớn các nhà sản xuất từ Trung Quốc đại lục và nền kinh tế cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á.
“Không thể suy nghĩ thị trường Việt Nam quá nhỏ thì không thể sản xuất các loại thép chất lượng cao như thép đường ray… Chúng ta phải chiến đấu thôi, làm ra được thì sẽ phải bán hết”, ông Long quả quyết.
Liên quan đến việc Hòa Phát đang muốn kiện chống bán phá giá sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập từ nước ngoài, ông Trần Đình Long chia sẻ: Trước khi là cổ đông Hòa Phát, chúng ta đều là công dân Việt Nam. Mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Đây là điều xuyên suốt không phải chỉ Việt Nam mà cả thế giới, nước nào cũng ủng hộ sản xuất trong nước.
“Không một nước nào trên thế giới chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn cả phần sản xuất trong nước”, ông Long khẳng định.