Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ đấu giá đất Hòa Lân: Vì sao Giám đốc Công ty Thiên Phú bị bắt?

(VTC News) -

Công an xác định Bùi Thế Sơn chỉ đạo Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng lập khống danh sách để chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng từ Công ty Kim Oanh.

Ngày 28/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Thế Sơn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú, có trụ sở ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản 

Theo điều tra ban đầu, năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Thiên Phú Phú thực hiện dự án khu dân cư Hòa Lân (dự án Hòa Lân) ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương.

Sau đó, Công ty Thiên Phú thế chấp đất dự án với diện tích 409.765m2 để vay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ. 

Công ty Thiên Phú ký biên bản giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Đến tháng 5/2017, dự án Hòa Lân được Agribank chi nhánh Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh, TP.HCM (Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá với tổng số tiền là 1.353 tỉ đồng.

Các bị can từ trái qua, gồm: Bùi Thế Sơn, Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an).

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh TP.HCM ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cùng với Ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn, Công ty cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Thiên Phú. 

Trong quá trình thực hiện tái định cư, Công ty Kim Oanh căn cứ theo hồ sơ, chứng từ mà Công ty Thiên Phú cung cấp, đã chi trả cho 14 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy danh sách của 14 hộ dân này đều là khống. 

Cụ thể, theo Công ty Kim Oanh, biên bản đấu giá tài sản dự án Hòa Lân thể hiện nội dung: Người trúng đấu giá liên hệ với Công ty Thiên Phú để biết số người tái định cư, diện tích tái định cư cho từng trường hợp cụ thể hoặc giá trị quyền sử dụng đất tái định cư.

Trong quá trình làm việc, lần đầu, phía Công ty Thiên Phú cung cấp danh sách 13 hộ dân tái định cư. Sau đó, với lý do thiếu sót, Công ty Thiên Phú bổ sung lại danh sách chính thức là 15 hộ dân. Đồng thời, Công ty Thiên Phú cung cấp hồ sơ tái định cư của các hộ dân trên và chịu trách nhiệm liên hệ thỏa thuận.

Phía Công ty Kim Oanh TP.HCM sẽ chi trả tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất tái định cư theo hồ sơ mà phía Công ty Thiên Phú chuyển qua. 

Trong quá trình thực hiện tái định cư căn cứ theo hồ sơ, chứng từ mà công ty Thiên Phú cung cấp, Công ty Kim Oanh TP.HCM đã tin tưởng và chi trả cho 13 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư lên đến gần 30 tỷ đồng. 

“Sau khi bồi thường cho các hộ dân và qua quá trình xem xét hồ sơ Dự án, chúng tôi nhận thấy, ông Bùi Thế Sơn đã làm giả hồ sơ giấy tờ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như hộ bà Cao Thị Nho, ngày 22/11/2005, Công ty Thiên Phú đã thỏa thuận đền bù 300m2 đất thổ cư thuộc dự án Hòa Lân tại vị trí thửa số 25, 26 lô F5.

Đến ngày 15/11/2013 phía công ty Thiên Phú đã tiếp tục tiến hành cam kết việc thực hiện việc cấp đất tái định cư và hủy cam kết ngày 22/11/2005”, Công ty Kim Oanh cho biết. 

Theo cam kết, bà Cao Thị Nho sẽ được bố trí đất tái định cư thay vì được đền bù bằng tiền giá trị đất bị thu hồi, do đó, bà Nho sẽ không còn nằm trong Danh sách hộ dân Công ty Kim Oanh TP.HCM phải chịu trách nhiệm chi trả tiền đền bù.

Khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương).

Đáng ra, Công ty Thiên Phú phải có nghĩa vụ trao đổi với Công ty Kim Oanh TP.HCM về sự thay đổi này, thế nhưng ngược lại, Công ty Thiên Phú vẫn tiếp tục đưa tên bà Cao Thị Nho vào danh sách và ngày 20/12/2017, phía Công ty Kim Oanh TP.HCM đã tiến hành đền bù tiền đền bù tái định cư dự án Hòa Lân cho bà Cao Thị Nho số tiền là 2.100.000.000 đồng.  

Ngày 5/9/2019, Công ty Kim Oanh TP.HCM đã có văn bản gửi UBND phường Thuận Giao về việc, Công ty Thiên Phú yêu cầu phải bồi thường cho các hộ dân mà không cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề nghị UBND phường Thuận Giao cung cấp thông tin để xác định rõ nguồn gốc đất của các hộ dân tại Dự án Hòa Lân đã được Công ty Kim Oanh TP.HCM đền bù.  

Ngày 17/9/2019, UBND phường Thuận Giao có Công văn số 567/UBND-KT xác nhận về nguồn gốc đất của các hộ dân theo danh sách tại dự án khu dân cư Hòa Lân.

Cụ thể: “Bảng tổng hợp danh sách đền bù dự án Hòa Lân do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú lập ngày 27/6/2013 thì chỉ có một phần thửa 115, tờ bản đồ B1 của hộ ông Nguyễn Văn Băng thuộc Quyền sử dụng đất số H59775 cấp ngày 07/01/1997. Còn các hộ dân khác không thể hiện trong danh sách đền bù của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú”.  

Không còn là chủ sở hữu, vẫn rao bán dự án? 

Cũng theo Công ty Kim Oanh TP.HCM, ngày 18/12/2018, ông Bùi Thế Sơn mời một doanh nghiệp khác hợp tác đầu tư Khu dân cư dự án Hòa Lân. Sau đó, doanh nghiệp này đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Sài Gòn về việc phát hành thư bảo đảm tín dụng để nhận chuyển nhượng dự án khu dân cư Hòa Lân.  

“Ngoài ra, Công ty Thiên Phú còn cho nhân viên phát tờ rơi, quảng cáo và thông qua các trang web rao bán trái phép dự án Hòa Lân ra thị trường”, Công ty Kim Oanh cho biết.

Theo Công ty Kim Oanh TP.HCM, các hoạt động này của ông Sơn là hoàn toàn sai trái, ngang nhiên xâm phạm đến quyền sở hữu Dự án Khu dân cư Hòa Lân của Công ty Kim Oanh TP.HCM bởi Công ty Kim Oanh TP.HCM đã nhận chuyển nhượng hợp pháp lại Dự án này theo Hợp đồng công chứng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017 ký ngày 1/7/2017 được Văn phòng công chứng Thành phố mới, tỉnh Bình Dương công chứng hợp pháp và cũng đã thanh toán đầy đủ giá trị chuyển nhượng dự án.

Công an xác định Bùi Thế Sơn đã chỉ đạo Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng lập khống danh sách để chiếm đoạt gần 30 tỉ đồng từ Công ty Kim Oanh. 

“Công ty Thiên Phú không phải là chủ sở hữu dự án và chỉ có Công ty Kim Oanh TP.HCM mới có đầy đủ các quyền sở hữu dự án, kêu gọi hợp tác đầu tư hay khai thác dự án. Hành vi trên cho thấy, ông Bùi Thế Sơn có dấu hiệu "dùng thủ đoạn gian dối’ để lừa dối người dân mua dự án dân cư Hòa Lân, mặc dù tài sản trên không thuộc sở hữu của Công ty Thiên Phú nữa”, Công ty Kim Oanh nêu quan điểm.

Liên quan đến vụ việc này, Công ty Kim Oanh cho biết: “Hơn một năm trở lại đây, Công ty dường như đã trở thành mục tiêu của những cuộc chiến pháp lý. Đầu tiên là việc Công ty Thiên Phú khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá khu dân cư Hòa Lân. Sau đó, liên tục các dự án đầu tư khác bị tấn công theo một kịch bản rất giống nhau. Qua trao đổi ông Bùi Thế Sơn, chúng tôi được biết, một nhóm nhà đầu tư bất động sản là những người đứng sau. Hiện, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để gửi đơn tố cáo lên cơ quan điều tra Bộ Công an”.

Đánh giá về vụ án này, một luật sư cho rằng: “Hành vi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của Công ty Kim Oanh do Bùi Thế Sơn và đồng phạm thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật hình sự bảo vệ.

Các bị can đã chiếm đoạt tài sản có giá trị rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và có hình phạt tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 174  Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị tuyên bố là có tội thì: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a)  Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên".

“Hành vi lợi dụng, lạm dụng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tố tụng dân sự để gây khó khăn, cản trở thậm chí tạm dừng các hoạt động đầu tư hợp pháp của Công ty Kim Oanh đối với dự án Khu dân cư Hòa Lân là hành vi phá hoại các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Bình Dương vì các quyết định phê duyệt dự án đã được HĐND thông qua.

Dự án Khu dân cư Hòa Lân nếu được triển khai đúng tiến độ sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương, tăng nguồn cung trong thị trường bất động sản, giúp cho người dân có nhiều chọn lựa khi có nhu cầu về chỗ ở và đặc biệt là thay đổi diện mạo quy hoạch đô thị của tỉnh Bình Dương.

Với tính chất đặc biệt như vậy cho nên cần phải điều tra, làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm, nếu có đủ căn cứ thì có thể khởi tố đối với các tội danh khác để răn đe riêng, phòng ngừa chung cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức đang tiến hành đầu tư tại địa bàn tỉnh Bình Dương”, vị luật sư này nhấn mạnh.

Video: Khám xét trụ sở Công ty bất động sản Nam Thị 

Hiếu Nguyễn

Tin mới