Lực lượng cứu hộ Trung Quốc chạy đua với thời gian cứu hộ đê hồ Động Đình. (Nguồn: CGTN)
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, vụ vỡ đê xảy ra vào chiều 5/7 tại một phần bờ kè trên bờ hồ Động Đình ở tỉnh Hồ Nam. Đây là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Trung Quốc.
Chính quyền địa phương ngay sau đó đã điều động hàng ngàn người và nhiều thiết bị được điều động nhằm khẩn cấp đối phó vụ vỡ đê.
Tính đến 3h chiều 7/7, lực lượng cứu hộ đã sử dụng mọi vật liệu có thể để gia cố khoảng 87m bờ kè của bờ hồ Động Đình. Ước tính mỗi giờ các nhóm cứu hộ chỉ có thể gia cố thêm 4m đê.
Nước chảy qua con đê bị vỡ thuộc bờ kè nằm trên bờ hồ Động Đình ở huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) ngày 6/7. (Ảnh: Xinhua)
Theo Paper, khoảng đê vỡ trên hồ Động Đình ban đầu chỉ rộng khoảng 10m vào sáng 5/7, nhưng tăng dần lên 225m vào chiều 6/7. Nước từ hồ cũng gây ngập lụt một vùng có diện tích lên đến 46km2.
Trước nguy cơ vỡ đê, chính quyền địa phương đã cho sơ tán gần 6.000 người trong khu vực đến nơi an toàn ngày trong ngày 6/7. Hiện Trung Quốc vẫn chưa công bố thiệt hại về người trong vụ vỡ đê.
Một đoạn video do truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải sau khi vỡ đê cho thấy nước hồ chảy qua chỗ đê vỡ, làm ngập đất nông nghiệp và làm hư hại nhiều nhà dân.
Phát biểu về tình hình mưa lũ tại Hồ Nam, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường công tác cứu hộ và cứu trợ để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, theo Tân Hoa xã.
Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc điều hơn 800 người, gần 150 phương tiện và hàng chục tàu đến giúp khắc phục vụ vỡ đê và hỗ trợ công tác cứu trợ lũ lụt.
Các cơ quan trung ương đã chi 540 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD) cho công tác cứu trợ thiên tai tại các địa phương nhằm hỗ trợ việc sơ tán và tái định cư những người dân bị ảnh hưởng.
Ảnh vệ tinh khu vực trước và sau khi vỡ đê trên hồ Động Đình.
Ngày 7/7, CCTV dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Trương Ứng Xuân cho biết, việc lấp đoạn đê vỡ trên hồ Động Đình dự kiện sẽ hoàn thành vào ngày 9/7. Điều kiện thời tiết thuận lợi cũng giúp việc khắc phục sự cố diễn ra nhanh hơn.
Tờ Hunan Daily đưa tin, mực nước tại hồ Động Đình đã giảm mạnh cùng với trời nắng, cho phép lượng nước tích tụ tại vị trí vỡ đê chảy ngược trở lại hồ.
Trước đó, mực nước tại hồ Động Đình lưu vực thoát nước của sông Dương Tử bắt đầu dâng cao do mưa lớn kéo dài cả tuần ở miền nam Trung Quốc. Thậm chí diện tích hồ Động Đình tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai tuần, từ 1.100 km2 vào ngày 17/6 lên 2.570 km2 vào ngày 30/6.
Trong khi đó mực nước ở vùng giữa và hạ lưu sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao trong ít nhất hai tuần. Khu vực này bao gồm ít nhất tám tỉnh và các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Trùng Khánh.
Ngoài Hồ Nam, nhiều vùng rộng lớn tại Trung Quốc hứng chịu những trận mưa lớn dai dẳng kể từ khi mùa mưa lũ bắt đầu, gây ra rủi ro lớn cho các hệ thống đê và hồ chứa địa phương.
Các cơ quan chính phủ về khí tượng, thủy lợi, tài nguyên thiên nhiên, phát triển đô thị và nông thôn đã đưa ra hướng dẫn kiểm soát lũ lụt cho 18 khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa, bao gồm Hồ Nam, Sơn Đông, Hà Nam và Thiểm Tây.
Cục Khí tượng Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đưa ra thông cáo ngày 7/7 cảnh báo rằng nhiều khu vực, bao gồm lưu vực Tứ Xuyên ở phía tây nam, sẽ hứng chịu mưa lớn vào tuần tới, khiến đất nông nghiệp có nguy cơ bị ngập úng. Lưu vực Tứ Xuyên là một trong những khu vực sản xuất lúa gạo lớn của Trung Quốc.