Đảo Cù lao Mái Nhà (xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên) từ đất liền nhìn ra tưởng là gần nhưng phải mất đến 20 phút di chuyển bằng cano mới tới nơi. Những ngày cuối năm nhiều gió, biển động, những cơn mưa bất chợt đến, bất chợt đi khiến con người cảm giác thật cô đơn, lạc lõng.
Nằm khép mình ở một góc đảo Cù lao Mái Nhà, căn lán của vợ chồng ông Ngô Quang Thịnh (68 tuổi) và bà Đào Thị Lan (70 tuổi) cũ nát “như xơ mướp” và chưa từng gia cố một lần. Trong căn nhà ấy không một món đồ đáng giá ngoài chiếc ti vi tuổi thọ ngót nghét vài chục năm.
Tết sắp đến, căn lán nhỏ lung linh hơn bởi dây đèn nhấp nháy treo xung quanh, bên cạnh là những hàng dương, những bụi cam rừng xanh rì râm ran tiếng chim hót.
“Tết rồi, người ta có mai có đào, tui đây tranh thủ treo ít đèn trang trí chào đón những người bạn ghé thăm. Năm mới mình có rực rỡ thì mọi người mới rực rõ chứ.” ông Thịnh móm mém nói.
Dưới cái nắng nhẹ mang hơi gió lạnh sau cơn mưa vừa đi ngang, ông Thịnh vẫn chỉ vận mỗi chiếc áo cộc tay để lộ bộ khung còm nhom, khắc khổ. Khoác bộ lưới trên vai, ông Thịnh cười nói với vợ:
"Bữa ni chông vợ hài (hai vợ chồng) lại bắt vài con cá ăn vậy nha". Nói rồi ông nhanh nhẹn bước chân hướng ra biển, dùng toàn bộ sức quăng lưới. Trong túp lều của vợ chồng ông Thịnh lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười, hạnh phúc.
Vợ chồng ông Thịnh, bà Lan đã “định cư” trên hòn đảo này 25 mùa xuân. Dân trong bờ vẫn hay gọi ông bà bằng cái tên “ Vợ chồng anh Ba Rosbinson”.
Tết đối với “vợ chồng anh Ba Rosbinson” không hề có những đòn bánh tét, cặp bánh chưng, hay cành mai vàng rực rỡ, chỉ có hai nhân ảnh già nua miệng luôn móm mém cười, làm sáng bừng cả hòn đảo nhỏ.
Ông Thịnh trầm ngâm nhớ về những ngày đầu tiên cùng vợ trồng cây, khai hoang đảo.
Đảo Cù lao Mái Nhà khi đó còn hoang vu, um tùm bởi những cây cam rừng. Lặng lẽ ông bà đã dọn từng tấc đất, trồng lên từng cây thông con để vừa bảo vệ rừng, vừa lấy bóng mát lại ngăn sạt lở khi mùa mưa tới.
Không có điện, không có nước sạch, không hàng xóm láng giềng, đường đi thì cách trở nên cả hai phải tựa vào nhau mà sống.
Sau những giờ khai hoang, trồng cây. Ông thì chài lưới gần bờ kiếm con tôm, con cá cho bữa ăn chiều muộn, còn bà men theo các ghềnh đá, sóng đánh cao hơn đầu người để cạo từng miếng Mứt rong biển về phơi khô để dành nấu canh.
“Từ lúc tui bị con sóng lừa nó đánh cho sấp mặt vào vách đá trong lúc mải mê cạo rong mứt thì tui không còn đi nữa. Rong mứt biển có giá thành cao nhưng nguy hiểm quá. Sau trận đó tui bị ốm cả tháng trời”, bà Lan chia sẻ
Với bà Lan, đối diện khó khăn chỉ cần có vợ có chồng thì nụ cười chẳng bao giờ là tắt.
Cũng may hôm đó ông Thịnh đánh bắt gần nơi bà Lan cạo rong mứt, ánh mắt ông chưa bao giờ rời khỏi vợ nện khi bà gặp nạn ông phát hiện kịp thời. Lần ấy ông đã mất ăn mất ngủ cả tuần và rồi quyết không cho bà đi làm nữa, ở nhà nấu cơm, dọn dẹp.
Khi chồng bắt được con cá, con cua một phần để ăn, phần nhiều bà Lan sẽ gửi những thuyền đi qua đem vào đất liền đổi gạo. Chính thiên nhiên trù phú ở cù lao Mái Nhà đã giúp vợ chồng "Robinson" xứ Nẫu này đắp đổi qua ngày.
“Ngày trước tui còn nuôi bò nữa, nhiều lắm. Đưa bò giống ra nuôi lên được 55 con lận, nhưng vì thời tiết càng thay đổi, bò không có nước uống nên tui gọi thương lái đi thuyền ra đảo bán sạch luôn. Bán rẻ lắm!”, ông Thịnh kể.
Giờ ông bà chỉ nuôi dăm ba con gà xung quanh lán để phục vụ khách ngoài đảo bị nhỡ bữa và có nhu cầu.
Những ngày đầu mệt nhọc nhưng với ông bà, hạnh phúc khi ở cùng nhau trải qua bao mùa trăng, bao mùa nước động hay bao mùa trái say chín từ chua đến ngọt. Chiều đến họ lại ngồi trước biển trông vào đất liền đến khi thủy triều lên che mất tầm nhìn.
Để đền đáp lại ân tình của mẹ thiên nhiên, ông bà đã tình nguyện trở thành người bảo vệ của khu rừng. Chỉ về phía những gốc thông to bự chưa một vết dao phạm vào trong suốt 25 năm qua ông Thịnh cho biết, ông trồng thông tạo đa dạng sinh thái cho đảo, chứ không hề có ý định khai thác.
Cù lao Mái Nhà có diện tích khoảng 1,2km2 , đảo nhỏ nằm chơ vơ giữa biển khơi, cách Đầm Ô Loan hơn 4km và cách thành phố Tuy Hòa 27 km về hướng Bắc. Cù lao Mái Nhà còn có tên gọi khác đảo lao Mái Nhà hay hòn lao Mái Nhà.
Phía Đông Bắc còn nguyên sơ, chưa có bàn tay con người khai hóa với những dãy núi đá cao, nước biển xanh trong và rừng cây tầng thấp xen những tảng đá tuyệt đẹp. Phía Tây Nam đảo có gành đá chạy dài nối những bãi cát trắng tạo cảnh đẹp kỳ thú.
Mấy năm gần đây, Phú Yên đẩy mạnh phát triển du lịch nên hòn đảo cũng trở thành địa điểm nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm.
Tại chính hòn đảo này, dưới những mái lán cũ kỹ vào mùa du lịch, hai vợ chồng ông vẫn đón các lượt khách ra đảo vui chơi ăn uống. Hay các hội câu cá di chuyển ra đảo ở lại qua đêm, ông bà hỗ trợ khách dựng lều ở qua đêm và đốt lửa trại.
“Vợ chồng tui không có bán đồ ăn, nước uống ở đây đâu, tất cả đều do khách họ mang ra và nhờ bếp núc vợ chồng tui chế biến và sau đó tụi tui dọn dẹp cho họ. Lúc ấy họ cho bọn tui bao nhiêu thì cho à. Làm du lịch như vậy có thêm tiền chi trả cuộc sống. Hai vợ chồng già rồi, lại sống một mình giữa đảo nên thi thoảng có khách đến chơi như vậy cũng vui", bà Lan nói, ánh mắt hướng về phía người “bạn đời” đang đánh cá ngay cạnh bờ biển.
Ông Thịnh tay kéo lưới rồi thoăt thoắt nhặt từng chú cá biển bỏ trong chiếc thùng nhựa, nhanh nhẹn đi về phía căn chòi, hỏi vợ: ““Nay bà muốn ăn gì, tui nấu? Mà thôi, để tui nấu miếng canh chua ăn cho bon miệng”, ông nói thêm, như thể hiểu rõ câu trả lời của bà Lan. Bà ngồi trên võng, nhìn về phía chồng gật gù.
“Già rồi mà tình ghê! Hơn vợ chồng son”, tôi nhìn ông Thịnh cười, bà Lan cũng cười móm mém.
Ông Thịnh kể, ngày vợ chồng ông ra đảo sinh sống, nhiều người dân địa phương bảo ông bà bị “điên”, nhưng vợ chồng ông vẫn kiên định cho một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. Giờ đây, vợ chồng ông Thịnh vẫn tự hào về khối “ tài sản khổng lồ” này mà hai ông bà đã kỳ công xây dựng.
Ông Thịnh tự tay đào giếng trên đảo, chỉ được phép đào 4 mét vì sâu hơn sẽ bị nhiễm mặn. Thời điểm tháng 4,5 là hai tháng giếng bị “ xì mặn”, nguồn nước không dùng được. Các tháng sau nước sẽ dần ngọt lại lúc ấy ông bà dùng nước này để phục vụ du khách, còn ông bà đã trữ nước mưa, nước suối để dùng dần.
Sống giữa đảo thiếu thốn tiện nghi, ban đầu vợ chồng ông dùng đèn dầu, sau dùng ắc quy rồi 3 năm trở lại đây mới có điện mặt trời. Bằng những đồng tiền du khách cho tiết kiệm lại, hai ông bà cũng sắm được tấm pin năng lượng mặt trời nhỏ nhắn đủ dùng cho chiếc ti vi hai ông bà xem vào buổi tối, còn lại hằng ngày duy trì đèn trái ớt và loa tụng kinh nhỏ phía trong Dinh Ông, Dinh Bà.
Nguồn thực phẩm ông bà chỉ dự trữ vào thời điểm cuối tháng 8 trở đi kéo dài đến hết tháng 11, vì mùa đó là mùa mưa bão biển động nên không thể săn bắt, hái lượm vào những thời điểm ấy.
“Đám con tui hay gọi đây là “cù lao cô đơn”, chớ hổng có cô đơn nha. Đời còn tui, còn ổng, cô đơn gì”, bà Lan nói, khi không còn nhìn thấy bóng lưng chồng. Quãng đời hơn 40 năm chung sống như một thước phim quay chậm trong trí nhớ của bà Lan khi nói đến chồng.
Cái duyên lận đận nên các chị em của bà không ai có chồng, chỉ có bà may mắn gặp được ông. Các cụ có câu: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”, chắc có lẽ đúng với vợ chồng bà Lan, từ khi về chung một nhà, chưa khi nào ông to tiếng với bà, bà cũng chưa lần nào giận được ông quá nửa ngày.
“Quanh đi quẩn lại có hai vợ chồng, giận nhau thì còn biết chuyện trò với ai”, bà Lan cười nói.
Bữa cơm hàng ngày của ông bà đơn giản lắm, tô canh chua lá bứa được nấu từ cá ông Thịnh bắt được, đĩa rau rừng tập tàng bà Loan hái bìa núi mang về luộc chấm cùng mắm ruột cá Ngừ đại dương.
Ông bà có 8 người con, 4 trai và 4 gái nhưng họ đều ở trong đất liền, mong đón cha mẹ về phố để tiện chăm sóc nhưng ông bà đã quen với sự tĩnh lặng, với những cơn gió trời lồng lộng của cù lao nên quyết định gắn bó với hòn đảo.
Các con của ông bà cuối tuần rảnh sẽ ra thăm.
Ông Thịnh bảo, ngày xưa tổ tiên ông bà cũng đã ở đây nên với vợ chồng ông, hòn đảo là quê hương, là nhà, là máu thịt. Hằng ngày ông bà vẫn đều đặn duy trì nhang khói cho Dinh ông và Dinh bà tại hòn đảo này.
Những ngày tết đến xuân về, hỏi ông bà có muốn vào đất liền không? Cả ông bà đều lắc đầu bảo rằng, nơi đây là nhà rồi, nơi nào chúng tôi cạnh nhau thì nơi đó là nhà. Có về đất liền chẳng qua cũng chỉ để thắp hương, thăm gia đình con cháu cho đúng lễ nghi.
Cứ 30 Tết và mùng 1 âm lịch, ông lại chạy ghe chở bà vào đất liền thăm con cái và hương khói tổ tiên. Nghi lễ xong xuôi đâu vào đó ông bà lại ra đảo
Chỉ có bà Lan, vào đất liền lâu nhất là lúc sinh hai người con gái sau này, còn toàn bộ thời gian cuộc sống ông bà đều ở ngoài đảo.
“Sống ngoài này đã quen rồi nên không muốn vào đất liền đâu, đi vô bờ rồi lại nhớ hồn lao mà thôi” ông Thịnh cười nói
Đã trôi qua 25 năm kể từ ngày đặt chân ra đảo, đôi vợ chồng già cứ bình đạm ở bên nhau.
“Tui không biết tui và ông Thịnh sống đến lúc nào nhưng chỉ mong bọn tui sống chết có nhau. Giờ già, tui thương ổng nhiều hơn đó. Ổng sống với mình trọn đời, gánh hết những phần cực khổ. Con cái đã trưởng thành, tui không lo lắng gì nữa. Đêm nằm nghĩ, chỉ sợ tui đi trước, bỏ lại ổng một mình, thương đứt ruột đó bây. Đã đi gần hết đoạn đường, ngày nào mở mắt ra thấy ông ấy thì vui hơn tết rồi.” Bà Lan nhìn ông Thịnh với ánh mắt đầy yêu thương.
Tết đến xuân về, hòn đảo “chỉ có hai người, hai người già yêu thương nhau” trở lên sự ấm áp bởi tình cảm đẹp như thiên cổ tích của vợ chồng ông Thịnh, Bà Lan.
Rời khỏi "đảo hoang" khi trời nhá nhem tối, trong đầu tôi chợt nghĩ: Khi những căng thẳng, bộn bề trong cuộc sống khiến tỷ lệ những cuộc ly hôn ngày một tăng cao trong xã hội hiện đại thì ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn tồn tại những tình yêu đích thực, sâu sắc và bình dị. Như vợ chồng ông Thịnh, bà Lan, họ ghép vào nhau để tạo thành một khối vừa vặn, vẹn nguyên.