Ngày 2/12, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chủ trì buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại và thông tin tới cán bộ, hội viên phụ nữ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch Lê Duy Thành chỉ rõ 5 khó khăn, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, đại dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế - xã hội; các quan điểm chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đưa kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc phục hồi, tăng trưởng, với 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ năm 2014 đến nay, thu ngân sách vượt dự toán, cao nhất từ trước đến nay. Vĩnh Phúc tiếp tục nằm trong Top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tại buổi đối thoại
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời khẳng định, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển.
“Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và mong muốn cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục hiến kế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Lê Duy Thành nói.
Tại buổi đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ nêu các câu hỏi liên quan đến công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ, tinh giản biên chế, phòng chống đuối nước; công tác đào tạo, giải quyết việc làm, các giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp; công tác bảo vệ môi trường, phát triển giao thông, xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động…
Trả lời nhóm câu hỏi về công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ, tinh giản biên chế, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Bá Huy cho biết, quan điểm của tỉnh là luôn coi trọng đến công tác cán bộ nữ. Hiện tỷ lệ công chức nữ của Vĩnh Phúc khá cao, chiếm gần 40% và nhiều cơ quan có tỷ lệ cán bộ nữ cao hơn nam giới. Năm 2022, trong 48 chỉ tiêu công chức đã tuyển dụng thì có 25 công chức nữ. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ nữ chưa được như mong muốn.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2021-2025 là từ 20% trở lên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia hội đồng nhân dân các cấp từ 35% trở lên.
Để đạt mục tiêu này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng gắn quy hoạch với sử dụng cán bộ nữ.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ phải thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ là “có ưu tiên nhưng không có ưu ái và có giúp đỡ nhưng không có nâng đỡ”.
Về tinh giản biên chế, Ban thường vụ Tỉnh ủy giao Sở Nội vụ tổng hợp, đánh giá rõ kết quả thực hiện nghị quyết của tỉnh về sắp xếp đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế, trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới.
Đại diện phụ nữ Công an tỉnh Vĩnh Phúc nêu câu hỏi tại cuộc đối thoại
Làm rõ hơn vấn đề về công tác cán bộ nữ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, bởi phụ nữ chiếm lực lượng lớn và ngày càng khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục có các cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, trong đó có phụ nữ về làm việc tại tỉnh", ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Riêng vấn đề đuối nước, ông Lê Duy Thành cho biết, giữa tháng 5/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 14 về việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh cùng vào cuộc thực hiện nội dung này.
Đối với nhóm câu hỏi giải quyết việc làm, hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, ông Lê Duy Thành cho hay, thực tế Vĩnh Phúc không thiếu việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn nên thời gian qua, tỉnh đã liên kết với các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên... để tuyển lao động về làm việc tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 chuyên gia, người nước ngoài sinh sống, làm việc và có nhu cầu tuyển dụng người giúp việc.
Tuy nhiên, những lao động từ trên 40 tuổi trở lên chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của người nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của hội viên phụ nữ và tham mưu, đề xuất tỉnh các giải pháp đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động trên 40 tuổi có nhu cầu việc làm.
Riêng đề xuất về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh ban hành Đề án về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ khởi nghiệp cả về vốn, đất đai và đầu ra sản phẩm.